Làm nên kỳ tích của kỹ thuật quân sự Việt Nam

Ngày 12-9, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức tọa đàm về thân thế và sự nghiệp của Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (13-9-1913 – 13-9-2013). Tham gia cuộc tọa đàm có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Bộ Quốc phòng, các trường đại học ở Hà Nội và gia đình GS Trần Đại Nghĩa.

Giáo sư, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa

(SGGP).- Ngày 12-9, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức tọa đàm về thân thế và sự nghiệp của Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (13-9-1913 – 13-9-2013). Tham gia cuộc tọa đàm có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Bộ Quốc phòng, các trường đại học ở Hà Nội và gia đình GS Trần Đại Nghĩa.

Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đã cùng ôn lại và nhớ đến một con người dám từ bỏ công việc với lương tháng 22 lượng vàng để theo Bác Hồ về nước phụng sự Tổ quốc; từ bỏ cuộc sống sung sướng nơi Paris hoa lệ, chấp nhận khó khăn thiếu thốn nơi rừng sâu Việt Bắc để được nghiên cứu chế tạo vũ khí góp phần đánh đuổi quân xâm lược Pháp. GS Trần Đại Nghĩa là Cục trưởng quân giới đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (nay là Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng), một trong những người đặt nền móng cho nền công nghiệp quốc phòng của Việt Nam. Ông còn là một vị anh hùng, một nhà bác học uyên thâm, một vị tướng thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ, suốt đời giữ trọn đạo làm tướng.

Theo Đại tá Trần Ngọc Long, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, trong đạo làm tướng, trung, trí, dũng, nhân, tín tuy có nội dung khác nhau nhưng được hòa quyện trên cơ sở lấy đức nhân làm nền tảng, tạo nên phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh của một vị tướng. Với GS, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, điều này không dừng lại ở tư tưởng, ý chí, ở chỗ giữ cho cá nhân mình được trong sạch liêm khiết, mà trở thành hành động, phẩm chất năng lực của một vị tướng - nhà khoa học. Hình ảnh của ông trong lòng bộ đội, nhân dân, trong lòng bạn bè, đồng nghiệp… là thước đo chân chính nhất. Thời nào cũng vậy, phấn đấu để trở thành tướng đã khó, giữ được đạo làm tướng càng khó hơn và ông đã làm được điều đó.

Các nhà nghiên cứu đều khẳng định, có nhiều công trình khoa học quân sự mang đậm dấu ấn của GS Trần Đại Nghĩa, trong đó có 3 phát minh tiêu biểu nhất trong kháng chiến chống thực dân Pháp là hoàn chỉnh việc nghiên cứu chế tạo súng và đạn bazooka; chế tạo đạn chống tăng AT; chế tạo súng và đạn SKZ. Ba phát minh trên chính là kỳ tích phi thường của quân đội nhân dân Việt Nam trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp; tiêu diệt được xe tăng, tàu chiến, đánh phá nhiều đồn bốt của Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, những công trình nghiên cứu có giá trị phải kể đến là thủy lôi APS, loại thủy lôi gọn, nhẹ để đặc công nước mang vác dễ dàng khi đánh tàu chiến địch và đề tài tìm cách khắc phục các thủ đoạn gây nhiễu của địch trên radar để điều khiển SAM2 bắn trúng mục tiêu B52 của Mỹ; góp phần vào chiến thắng chung cuộc của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Đánh giá về những đóng góp quan trọng của GS Trần Đại Nghĩa, Trung tướng Nguyễn Châu Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, cho rằng GS Trần Đại Nghĩa là một trong những người tham gia đặt móng xây nền, góp phần làm nên kỳ tích của kỹ thuật quân sự Việt Nam. Ông còn là vị tướng ở tuổi 35, một trong 11 vị tướng được phong tặng đầu tiên năm 1948, một trong 7 Anh hùng Lao động được phong tặng tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc đầu tiên năm 1952; một Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Viện sĩ hàn lâm khoa học Liên Xô và giữ nhiều chức vụ quan trọng khác.

Nét nổi bật nhất của ông là tấm lòng nhân hậu, khoáng đãng, đầy tình người... GS Trần Đại Nghĩa là Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (nhiệm kỳ 1983 - 1988) và cũng là Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1996, GS Trần Đại Nghĩa được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (Bazooka, súng không giật, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954.

GS Trần Đại Nghĩa mất ngày 9-8-1997 tại TPHCM.

Ngày 12-9, đoàn đại biểu TPHCM do đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đã đến thắp hương tưởng niệm Giáo sư Trần Đại Nghĩa; thăm và tặng quà bà Nguyễn Thị Khánh (phu nhân của giáo sư) tại nhà riêng ở đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận, TPHCM nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh giáo sư. “Tấm gương về lòng yêu nước, nghị lực vượt lên khó khăn và những hy sinh trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của giáo sư rất đáng trân trọng mà thế hệ trẻ hôm nay luôn ghi nhớ, học tập”- đồng chí Thân Thị Thư nói.

TRẦN BÌNH - HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục