Làm nhà văn: hạnh phúc đi kèm nhọc nhằn

Ngỡ tưởng văn chương đã mất dần vị thế trong đời sống hôm nay, nhưng thực tế không hẳn vậy. 
Chương trình giao lưu “Làm nhà văn: dễ hay khó?” có đông bạn trẻ tham dự
Chương trình giao lưu “Làm nhà văn: dễ hay khó?” có đông bạn trẻ tham dự

Bằng chứng là chương trình giao lưu với chủ đề “Làm nhà văn: dễ hay khó?” với sự tham gia của 3 nhà văn: Trần Tiễn Cao Đăng, Phan Hồn Nhiên và Phạm Bá Diệp, do dự án phát triển nghệ thuật và sáng tạo Yume (Yume - Art Project) vừa tổ chức tại TPHCM, thu hút khá đông người tham dự, trong đó phần lớn là những người trẻ. 

Những người giàu có về tinh thần

Trần Tiễn Cao Đăng, Phan Hồn Nhiên và Phạm Bá Diệp thuộc 3 thế hệ 6X, 7X và 9X. Nhà văn Phan Hồn Nhiên đã có nhiều tác phẩm ra mắt công chúng, chị cũng là những người tiên phong trong dòng văn học fantasy (kỳ ảo). Số lượng tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng chưa nhiều nhưng luôn được đánh giá cao bởi tính sáng tạo và thể nghiệm. Ngoài viết văn, anh còn là dịch giả uy tín. Còn nhà văn trẻ Phạm Bá Diệp từng đoạt giải 4 Văn học tuổi 20 lần 5 với tác phẩm Urem - người đang mơ. 

Cả 3 khách mời có chung một quan điểm khi cho rằng, để sống được với nghề văn, thực sự không dễ. 7 năm cầm bút liên tục, với Phạm Bá Diệp, cái khó nhất là duy trì công việc viết văn với cuộc sống thường nhật. Anh cho biết: “Đối với người trẻ như tôi, cũng có trăn trở riêng của mình - phải có một công việc tốt để chu toàn gia đình. Đến nay, dù mọi thứ đã tạm ổn nhưng vẫn phải đối mặt với chuyện song hành đam mê viết văn với cuộc sống thường nhật”. 

Nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng đồng cảm với nhà văn trẻ Phạm Bá Diệp, anh cho biết, mỗi lần nhận được đề nghị tư vấn của các bạn trẻ có đam mê văn chương, anh đều khuyên hãy có một nghề “chắc cú” để kiếm sống rồi hãy làm nhà văn. “Văn chương không đảm bảo cho bạn một cuộc sống sung túc. Đương nhiên, nếu bạn thành công đến một mức độ nào đó thì bạn có thể kiếm được rất nhiều tiền, nhưng cái đó khó lắm, không có gì bảo đảm. Vậy nên, trước khi các bạn thành công được như Nguyễn Nhật Ánh, Quách Kính Minh hay Hamlet Trương, hãy có một nghề đảm bảo cho cuộc sống của mình rồi hãy theo văn chương”, anh nói. 

Là một người viết và cũng quan sát thế giới nghệ thuật, Phan Hồn Nhiên thấy rằng, những người làm văn chương là những người cực kỳ giàu có về đời sống tinh thần và những người viết văn, rất hạnh phúc với thế giới của họ. Theo nhà văn Phan Hồn Nhiên, khi bắt đầu viết, thường chúng ta không đặt câu hỏi dễ hay khó. Nhưng sau quá trình làm việc 3 năm, 5 năm, thậm chí 10 năm thì đây là câu hỏi thường xuyên quay trở lại với người viết, khiến nó định hình lại công việc cũng như định vị lại bản thân. Đây là câu hỏi quan trọng đối với người viết và đối với những người có mong muốn trở thành nhà văn. “Từ sau tác phẩm thứ nhất, thậm chí là tác phẩm thứ hai, tự mỗi người sẽ đặt ra cho mình những thắc mắc: Ta đang làm người viết hay là nhà văn, ta viết văn hay làm nghệ thuật? Cho đến bây giờ, trở thành nhà văn vẫn là một thử thách với tôi”, Phan Hồn Nhiên chia sẻ.

Cần mở rộng biên độ sáng tạo  

Tại chương trình giao lưu, có ý kiến đặt vấn đề về sự dấn thân đối với những người viết, đặc biệt là những người viết trẻ. Nhà văn trẻ Phạm Bá Diệp chia sẻ, cuốn đầu tiên viết khá dễ dàng nhưng đến cuốn sau thì phải mất 4 năm để hoàn thành. Nó không đơn thuần là cảm xúc, đam mê mà đó là một quá trình lao động nghiêm túc, giống như một cuộc chạy bền khi phải phân phối sức, phải dung hòa với cuộc sống thường nhật. “Điều đó cũng có thể gọi là một khái niệm dấn thân. Tuy vậy, sự dấn thân và trải nghiệm cuộc sống là điều mà người trẻ đang rất yếu. Đối với chúng tôi, đôi khi thứ được gọi là chân lý chính là cái nằm trong kết quả đầu tiên của Google, chứ không phải đến từ trải nghiệm. Đó là điểm yếu của tôi và một số người trẻ hiện nay”, Phạm Bá Diệp nói. 

Tuy nhiên, theo Phan Hồn Nhiên, với những nhà văn thuộc thế hệ trước, quan niệm dấn thân nghĩa là nhà văn phải cọ xát, phải đi thực tế, phải trải nghiệm, phải gặp gỡ con người… Từ những tư liệu có được, họ phải biến hóa như thế nào đó để trở thành chất liệu cho tác phẩm. Chị cho rằng, đó cũng chỉ là một trong những quan niệm về dấn thân, chứ không phải là chân lý, không phải là cách dẫn dắt và cũng không phải là con đường mà những thế hệ người viết khác phải tuân theo. “Quan niệm dấn thân là câu hỏi cần thiết đặt ra cho người viết nhưng phải có cách tiếp nhận từ phía công chúng, từ phía phê bình, từ phía độc giả khác nhau. Có như vậy mới mở rộng được đường biên cho sáng tạo cũng như không gian hoạt động nghệ thuật, trong đó có viết văn”, nhà văn bày tỏ.

Nhiều độc giả đến với chương trình còn bày tỏ sự quan tâm của mình đến các vấn đề liên quan của nghề văn. Có độc giả tâm sự về sự khó khăn đối với tác phẩm đầu tiên, sau bước khởi đầu có vẻ thuận lợi nhưng càng về sau càng bị đuối dẫn đến không thể hoàn thành. Về vấn đề này, nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng cho rằng, bạn phải hoàn thành được một câu chuyện, đây là vấn đề thực sự quan trọng đối với người viết. “Nếu bạn toàn khởi đầu mà không kết thúc được thì mãi mãi bạn sẽ không trở thành nhà văn”, anh nhấn mạnh. 

Ngoài ra, một tâm lý chung của người viết đó là viết cái gì ra cũng phải hay. Theo nhà văn Cao Đăng, đó là một trong những sự ám ảnh hay vòng kim cô mà những người viết mắc phải, kể cả những người đã thành danh. Chúng ta không nên bị ám ảnh bởi chuyện đó. “Thời gian mình bỏ ra, kể cả tác phẩm thất bại thì nó cũng xứng đáng, bởi vì qua thất bại mình có cơ hội nhìn lại để đi tiếp. Nếu bạn cứ ngại ngần, bỏ dở cái thứ nhất, rồi cái thứ hai, lâu dần sẽ làm cho bạn lười biếng”, nhà văn phân tích.

Tin cùng chuyên mục