Lạm phát gây áp lực tăng lãi suất cho vay

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục giữ nguyên lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ cơ quan này với chi phí thấp, qua đó giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, trước áp lực lạm phát ngày càng cao, thị trường lo ngại lãi suất cho vay trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng, thậm chí xảy ra cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng.
Nhiều ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động để thu hút vốn. Ảnh: PHAN LÊ
Nhiều ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động để thu hút vốn. Ảnh: PHAN LÊ

Thừa tiền, lãi suất tiền gửi vẫn tăng

Sau nhiều đợt điều chỉnh, trong tháng 6-2022, một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã tăng thêm lãi suất tiền gửi 0,9%-1,2%/năm, nâng lãi suất tiền gửi 12 tháng quanh 7%/năm, thậm chí có nơi đẩy lãi suất tối đa kỳ hạn này lên tới 7,3%/năm. Cuộc đua lãi suất đang diễn ra trên thị trường trong bối cảnh thanh khoản tại các NHTM khá dồi dào, vì sau 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đã ở mức 8,2%, mức tăng khá cao so với chỉ tiêu 14% trong cả năm. Điều này thể hiện qua việc NHNN vừa khởi động lại kênh tín phiếu trên thị trường mở sau hơn 2 năm ngừng hoạt động để hút tiền từ các NHTM đang thừa tiền do không thể cho vay được. 

Thống kê từ các công ty chứng khoán, trong tuần qua, tổng lượng tiền NHNN rút khỏi thị trường thông qua kênh này khoảng 99.600 tỷ đồng. Theo Công ty Chứng khoán SSI, động thái này của NHNN nhằm giúp các NHTM giải quyết việc thừa thanh khoản, đồng thời giảm bớt áp lực lên VNĐ để NHNN có dư địa điều hành trong trung hạn. 

Lý giải việc lãi suất huy động vẫn tăng trong khi ngân hàng thừa tiền, các chuyên gia trong ngành cho biết, giá xăng dầu trong nước tăng theo đà thế giới, kéo giá cả hàng hóa lên cao, gây áp lực đến lạm phát trong nước, gián tiếp làm tăng lãi suất huy động. Ngay cả khi không thể cho vay mạnh, các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động để hút dòng vốn từ tiền gửi trong dân, cạnh tranh với các kênh đầu tư khác. Cùng với đó, hiện không ít ngân hàng có dư nợ tín dụng bất động sản lớn, phải trích lập dự phòng rủi ro cao, nên cần có số dư huy động cao nhằm đảo nợ, gia hạn nợ. 

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: “Ngành ngân hàng vẫn đang điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Trong điều hành lãi suất, NHNN sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp”. 

Chuyên gia Công ty Chứng khoán ACBS dự đoán, trong quý 3 này, cho dù NHNN sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng cho các NHTM thì vẫn diễn ra việc tăng lãi suất huy động, bởi các ngân hàng phải chuẩn bị tốt nguồn vốn cho vay vào mùa cao điểm cuối năm.

Duy trì chính sách lãi suất ổn định

Thực tế cho thấy, lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay sớm muộn cũng sẽ tăng theo, nhất là khi cơ quan điều hành chưa cấp thêm hạn mức tín dụng cho các NHTM. 

Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định, mặt bằng lãi suất huy động năm nay có tăng nhưng lãi suất cho vay sẽ không tăng đột ngột. “Mặc dù áp lực lạm phát ngày càng lớn nhưng hiện tại vẫn cách xa mục tiêu đặt ra, kinh tế vĩ mô ổn định, nên NHNN sẽ chưa vội tăng lãi suất điều hành để ứng phó với lạm phát. Ngoài ra, sức đẩy lạm phát hiện nay chủ yếu đến từ giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao và chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chứ không phải do yếu tố cung tiền”, ông Cấn Văn Lực phân tích thêm. Bên cạnh đó, gói cấp bù lãi suất 2% hiện đang được nhiều NHTM thực hiện có thể tác động đến việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian tới. 
Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành Vietcombank, cho biết, trong ngắn hạn, lãi suất cho vay vẫn giữ ổn định, thậm chí có thể giảm nhẹ để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Về dài hạn, lãi suất cho vay sẽ điều chỉnh biến động phù hợp với tình hình lạm phát và chi phí huy động vốn đầu vào. 

Còn theo bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, hiện Agribank đã thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước, Agribank được phân bổ chỉ tiêu 5.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023, nên số dư nợ cũng như số lượng khách hàng được tiếp cận không nhiều. Agribank vẫn duy trì chính sách lãi suất ổn định đối với chương trình tín dụng cho vay thương mại ngoài các chương trình hỗ trợ lãi suất. 

Trong khi đó, một số NHTM tư nhân cho biết, không chỉ vốn cho doanh nghiệp mà nhu cầu vay tiêu dùng, trong đó có mua bất động sản của cá nhân cũng rất lớn. Kỳ vọng NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng cho các NHTM trong quý 3 thì lãi suất cho vay sẽ có điều kiện giảm, nhưng mức giảm có thể sẽ không quá nhiều, khi chi phí đầu vào đang ngày một tăng lên.

Nhiều ngân hàng đã triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% 


Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết, hiện nhiều ngân hàng thương mại ở TPHCM đã đăng ký tham gia cho vay hỗ trợ 2% lãi suất trong gói hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước, như Agribank, BIDV, VietinBank, ACB, Vietcombank… Các ngân hàng đã hoàn tất việc triển khai nghiệp vụ, quy trình nghiệp vụ, hướng dẫn nội bộ cho các tổ chức tín dụng và đang tư vấn cho khách hàng tiếp cận gói hỗ trợ này. NHNN chi nhánh TPHCM sẽ tăng cường công tác thanh tra, theo dõi, giám sát tình hình để gói này triển khai công khai, minh bạch, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả. 

                                                                           HẠNH NHUNG


Ngân hàng trung ương nhiều nước tăng lãi suất


Theo tờ Financial Times, trong vòng 3 tháng trở lại đây, các ngân hàng trung ương đã có hơn 60 lần công bố tăng lãi suất, nhiều nhất kể từ khoảng năm 2000. Trong số 55 lần tăng lãi suất được công bố trong 3 tháng qua, có những đợt nâng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (từ 0,75%-1%) và Ngân hàng Trung ương Anh (1%). 

Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến tăng lãi suất trong tháng 7; các ngân hàng trung ương Canada, Australia, Ba Lan và Ấn Độ cũng dự kiến tăng lãi suất. Thị trường khu vực đồng EUR, Canada, Australia và New Zealand kỳ vọng sẽ tăng lãi suất ít nhất 1% vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Các thị trường mới nổi ở Mỹ Latinh cũng trên đà tăng, Brazil tăng lãi suất 10 lần chỉ trong hơn một năm.

Hồi cuối tháng 5-2022, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm 2022. Ngân hàng Negara Malaysia đã gây bất ngờ cho thị trường khi tăng lãi suất 0,25% đầu tháng 6.

                                                                  VIỆT LÊ

Tin cùng chuyên mục