Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2011 vừa chính thức công bố cuối tuần qua ở mức 18,13% - cao hơn 1,13% so với chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua sau khi điều chỉnh. Đây là mức tăng rất cao (tính trong khoảng 15 năm gần đây chỉ thấp hơn năm 2008) mặc dù đã thấp đi trong 4 tháng cuối năm so với “cao trào” hồi giữa năm và bật nhẹ lên trong tháng 12 - tháng cận Tết Nguyên đán.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân dẫn tới lạm phát có nhiều và rất phức tạp nhưng hai nguyên nhân căn bản có ý nghĩa quyết định là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, nhất là trong bối cảnh đầu tư công chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư xã hội.
Về chính sách tài khóa, theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, ước cả năm 2011, thu ngân sách nhà nước đạt 674,5 ngàn tỷ đồng; chi ngân sách đạt 796 ngàn tỷ đồng. Những số liệu thực tế này đều cao hơn so với dự toán từ Bộ Tài chính - tương ứng là 595 ngàn tỷ đồng (không gồm thu kết chuyển) và 725,6 ngàn tỷ đồng (bao gồm cả trả nợ gốc). Hoàn toàn có lý do khi Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, trong báo cáo thẩm tra của mình, đã yêu cầu đánh giá cặn kẽ và chi tiết việc thực hiện chủ trương cắt giảm chi thường xuyên 10%; việc đình, hoãn, giãn dự án, công trình; đặc biệt là ở các địa phương.
Ở thời điểm thực hiện thẩm tra để báo cáo với Quốc hội, ủy ban này đã không nhận được đầy đủ số liệu từ tất cả các bộ ngành, tỉnh thành trong cả nước. Nhiều cơ quan chức năng vẫn tiếp tục từ chối công khai con số lạm phát cơ bản - vốn được sử dụng để lượng định mức độ tác động đến lạm phát từ góc độ tiền tệ…
Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì với sự tài trợ của UNDP tại Việt Nam vừa cho công bố những kết quả nghiên cứu mới nhất về lạm phát, tỷ giá và các chỉ tiêu giám sát tài chính. Theo đó, liên quan đến vấn đề thứ nhất - lạm phát mục tiêu và hàm ý đối với khuôn khổ chính sách tiền tệ ở Việt Nam - kiến nghị đáng lưu ý được nhóm tác giả thuộc Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra là việc Ngân hàng Trung ương sẽ dự báo xu hướng lạm phát năm tới để đưa chỉ số lạm phát mục tiêu (định hướng bằng một chỉ số hoặc một khoảng biên độ) cho năm kế hoạch mà không có trách nhiệm thực hiện bất cứ chỉ tiêu nào khác.
Trong giới hạn của mình, Ngân hàng Trung ương có thể linh hoạt lựa chọn và sử dụng các công cụ để đạt một mục tiêu duy nhất - đó là chỉ số lạm phát mục tiêu. Nhóm nghiên cứu cho rằng, đối với Việt Nam, việc hướng tới chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu là phù hợp với chiến lược phát triển hệ thống ngân hàng, theo đó xây dựng ngân hàng Nhà nước Việt Nam trở thành Ngân hàng Trung ương hiện đại có nhiệm vụ chủ yếu là kiểm soát lạm phát để ổn định tiền tệ và giám sát để đảm bảo hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhận xét rằng, tại Việt Nam, việc tính toán lạm phát đang còn nhiều hạn chế. Lạm phát tại Việt Nam từ năm 2004 tới nay biến động phức tạp, áp lực lạm phát ngày càng tăng. Theo các nhà nghiên cứu, trong thời điểm hiện tại Ngân hàng Trung ương chưa thể áp dụng được ngay chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu hoàn toàn mà có thể bắt đầu với việc áp dụng lạm phát mục tiêu ngầm định (Ngân hàng Trung ương thỏa thuận với Chính phủ về việc thực hiện lạm phát mục tiêu mà không cần công bố cho toàn thể công chúng) và hình thức lạm phát mục tiêu ngầm định có thể áp dụng ngay từ năm 2012…
Thiết nghĩ, song song với việc kiểm soát chặt chẽ nhằm thực hiện nghiêm túc chính sách tài khóa, kiến nghị trên của nhóm nghiên cứu về chính sách tiền tệ rất cần được xem xét. Đó sẽ là một trong những nỗ lực để chỉ tiêu lạm phát không còn phải điều chỉnh (thường là tăng lên), mà rồi vẫn không thực hiện được!
ANH THƯ