Làm rõ quy chế pháp lý của đảo, đá ở biển Đông theo luật quốc tế

VĂN NGỌC
Làm rõ quy chế pháp lý của đảo, đá ở biển Đông theo luật quốc tế

(SGGP).- Trong 2 ngày 17 và 18-8, tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Trường Đại học Phạm Văn Đồng phối hợp với Trường Đại học Nha Trang tổ chức Hội thảo quốc tế “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn biển Đông” với sự tham gia của hơn 100 học giả trong và ngoài nước, trong đó có những giáo sư, tiến sĩ nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề biển Đông (ảnh).

PGS-TS Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng Đại học Phạm Văn Đồng, cho biết, mục đích của hội thảo là nhân sự kiện phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về biển Đông để các học giả trong và ngoài nước, cũng như những người quan tâm làm rõ quy chế pháp lý của các thực thể ở biển Đông theo các quy định luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Đồng thời, sự phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện này, Việt Nam một lần nữa khẳng định cơ sở pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu trong và ngoài nước cho rằng, từ lâu, vấn đề quy chế pháp lý của đảo, đá theo luật quốc tế là một trong những chủ đề thu hút được sự quan tâm và nghiên cứu của học giả quốc tế. Việc nghiên cứu, làm rõ vấn đề quy chế pháp lý của đảo, đá càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh khu vực biển Đông, nơi tồn tại không chỉ các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa mà còn có sự giải thích khác nhau về quy chế pháp lý của các đối tượng tranh chấp này.

Cũng có những ý kiến cho rằng, chính sự không rõ ràng về quy chế pháp lý của đảo, đá và các thực thể khác trong khu vực biển Đông là một trong những nguyên nhân khiến cho tình hình tranh chấp ở khu vực biển Đông ngày càng phức tạp. Minh chứng là các hoạt động bồi đắp, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc với mục đích làm thay đổi hiện trạng, vừa làm thay đổi quy chế pháp lý của các thực thể ở Trường Sa.

Trong tham luận “Đòi hỏi chủ quyền ở biển Đông: Quân sự hóa và xây dựng đảo nhân tạo”, Giáo sư Carlyle A. Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, cho rằng, việc quân sự hóa, xây dựng đảo nhân tạo khiến cho các nước trong khu vực, cũng như cộng đồng quốc tế quan ngại sâu sắc, làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông.

Theo đánh giá chung, phán quyết ngày 12-7 của Tòa Trọng tài quốc tế đã góp phần làm rõ cơ sở pháp lý, yêu sách cũng như các hoạt động trên biển của các bên tranh chấp, do đó, các nước có quyền hy vọng với phán quyết này, khu vực biển Đông sẽ có nhiều cơ hội để giải quyết các tranh chấp còn tồn tại cũng như mở ra cơ hội mới cho việc hợp tác. Vì thế, các đại biểu tham dự hội thảo dành sự quan tâm cho những động thái các bên sau phán quyết của Tòa Trọng tài, đặc biệt là các bên có tranh chấp.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ nhận định, phán quyết của Tòa Trọng tài liên quan đến vụ kiện ở biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc có đóng góp hết sức quan trọng, làm tăng thêm hiệu lực, giá trị pháp lý của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. TS Trần Công Trục hy vọng, phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ giúp cho các bên có được công cụ và phương pháp để tháo gỡ nhằm nhanh chóng ký kết được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Tại hội thảo, các đại biểu cũng tỏ ra lo ngại những hành động của Trung Quốc sau khi có phán quyết của Tòa Trọng tài, đồng thời cho rằng, cộng đồng ASEAN cần thắt chặt, hành động hơn nữa để có thêm tiếng nói chung.

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục