Làm rõ trách nhiệm từng chức danh hoạt động báo chí

Tại phiên họp chiều 17-9 của UBTVQH cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên thiếu niên và nhi đồng (VHGDTTNNĐ) Đào Trọng Thi cho biết, qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban (TTUB) cơ bản tán thành với phân tích trong Tờ trình số 424/TTr-CP của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Báo chí
Làm rõ trách nhiệm từng chức danh hoạt động báo chí

(SGGPO).- Tại phiên họp chiều 17-9 của UBTVQH cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên thiếu niên và nhi đồng (VHGDTTNNĐ) Đào Trọng Thi cho biết, qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban (TTUB) cơ bản tán thành với phân tích trong Tờ trình số 424/TTr-CP của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Báo chí

TTUB cũng nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Báo chí, cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật; tạo lập khung pháp lý phù hợp để sắp xếp, tổ chức lại hệ thống báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh, hiệu quả và đúng định hướng.

Tuy nhiên, người đứng đầu Ủy ban VHGDTTNNĐ phân tích, trong các chức danh lãnh đạo cơ quan báo chí, ngoài tổng giám đốc, giám đốc là người đứng đầu cơ quan báo chí, chịu trách nhiệm chung về mọi hoạt động của cơ quan báo chí (khoản 6 Điều 27), dự thảo Luật cũng quy định tổng biên tập là người chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản và trước pháp luật về nội dung thông tin báo chí (khoản 1 Điều 30). “Để phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng chức danh không nên xếp tổng biên tập vào hàng lãnh đạo cơ quan báo chí mà xác định tổng biên tập là người phụ trách nội dung thông tin của một sản phẩm báo chí (ấn phẩm báo chí in, kênh phát thanh truyền hình, chuyên trang báo chí điện tử…) của cơ quan báo chí”, ông nói. Định nghĩa như vậy cũng sẽ tạo cơ sở để quy định hợp lý hơn về trách nhiệm, quyền hạn của lãnh đạo cơ quan báo chí. Dự thảo quy định, người đứng đầu cơ quan chủ quản, người được cử trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cơ quan báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm của cơ quan báo chí; tổng biên tập, phó tổng biên tập và nhà báo đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin báo chí. Song theo Thường trực cơ quan thẩm tra, cho rằng, quy định như trên chưa làm rõ trách nhiệm của từng chức danh về hoạt động báo chí nói chung và về nội dung thông tin báo chí nói riêng của cơ quan báo chí, rất khó cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc xử lý khi cơ quan báo chí xảy ra sai phạm.

Ông Đào Trọng Thi phát biểu: “Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định lại theo hướng xác định ai là người chịu trách nhiệm chính, ai liên đới chịu trách nhiệm và mức độ trách nhiệm của từng chức danh về các sai phạm trong hoạt động và về nội dung thông tin báo chí. Ngoài ra, Luật chỉ nên quy định đối với cấp trưởng, còn cấp phó do cấp trưởng phân công, giao nhiệm vụ, làm việc theo quy định của quy chế hoạt động của cơ quan báo chí”.

Một nội dung khác đáng lưu ý tại dự thảo có liên quan đến văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí. Cụ thể, khoản 7 Điều 25 dự thảo Luật quy định văn phòng đại diện, phóng viên thường trú chỉ được hoạt động tại địa phương khi được chấp thuận bằng văn bản của UBND địa phương đó. “Quy định như vậy là hạn chế quyền tự do báo chí. Thực tế cho thấy, trong một số trường hợp UBND địa phương gây khó dễ hoặc không đồng ý cho phóng viên thường trú hoạt động do đưa tin, bài viết về các vụ việc tiêu cực của địa phương”, ông Đào Trọng Thi thẳng thắn bình luận.

Đại diện cơ quan thẩm tra  cho rằng, dự thảo Luật đã quy định cụ thể điều kiện đặt văn phòng đại điện và tiêu chuẩn của phóng viên thường trú, bởi vậy chỉ cần yêu cầu cơ quan báo chí phải gửi thông báo đến UBND tỉnh trước khi đặt Văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú hoạt động tại địa phương là đủ…

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục