Phú Yên:

Làm rõ vụ cán bộ xã lợi dụng dự án Flitch hạ gỗ rừng tự nhiên

Lợi dụng dự án “Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên” gọi tắt là Flitch, 2 người trong đó có 1 vị phó chủ tịch UBND xã ngang nhiên hạ luôn gỗ rừng tự nhiên.
Nhiều cây gỗ rừng nhóm III, có đường kính từ 60-80 cm bị cưa hạ
Nhiều cây gỗ rừng nhóm III, có đường kính từ 60-80 cm bị cưa hạ

Một khoảng rừng bị tàn phá, trong đó hàng trăm gốc cây tự nhiên đường kính từ 20 – 60cm bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Hiện trường rừng bị tàn phá nằm tại tiểu khu V3.2, núi Cà Bương thuộc thôn Tân Lương, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa (Phú Yên).

Một số người dân, trong đó có cả cán bộ xã đã lợi dụng dự án Flitch để cưa gỗ rừng tự nhiên núi Cà Bương (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên)
 Nhờ dự án “Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên”, gọi tắt là dự án Flitch mà ông Nguyễn Thanh Hà (Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa) được cấp 13,327 ha đất để trồng cây kinh tế. Tương tự, một người khác là ông Huỳnh Văn Trọng cũng được cấp 6,69 ha đất.

Trong khi đó, nhiều hộ dân đang có cuộc sống khó khăn, rất muốn được nhận đất rừng từ dự án để cải thiện đời sống nhưng lại không nằm trong diện có đất.

Nhận đất rừng trên được 2 năm, đến năm 2012, 2 hộ gia đình trên bắt đầu trồng rừng kinh tế. Đến tháng 9-2017, cả hai bắt đầu xin phép khai thác rừng trồng chủ yếu keo tràm… Thế nhưng khi khai thác xong diện tích rừng đã trồng, họ lại quay sang cưa luôn hàng trăm cây gỗ rừng tự nhiên lớn nhỏ để đem ra bãi tập kết chở đi tiêu thụ.

Theo ghi nhận tại hiện trường, bên cạnh đất rừng đã chuyển mục đích sang rừng sản xuất, trồng keo tràm là vùng rừng tự nhiên có nhiều cây gỗ bị cưa hạ, vết cắt đã cũ, nhiều cây gỗ lớn bị cắt hạ đã mọc chồi lên cao. Trong số này có nhiều cây bằng lăng (nhóm III) đường kính từ 60 – 80cm và nhiều loại khác như ké, muồng… đường kính cũng từ 20 - 60cm.
Làm rõ vụ cán bộ xã lợi dụng dự án Flitch hạ gỗ rừng tự nhiên ảnh 2 Gỗ tự nhiên bị cưa hạ tại núi Cà Bương, dấu vết răng cưa máy vẫn còn trên cội gỗ già

Một người dân ở xã Sơn Hội bức xúc phản ánh: Họ chặt phá, cưa hạ cây rừng hết sức ngang nhiên, công khai. Sau khi cưa gỗ rừng thành từng khúc, họ thuê xe cơ giới chở gỗ ra ngoài tập kết dọc đường lớn Xuân Phước đi Phú Hải (thôn Tân Lương, xã Sơn Hội) như ban ngày.

Thế nhưng, trao đổi với báo chí ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hội, người có 13,327 ha đất rừng nhận từ dự án Flitch lại cho rằng: Đất đã được cơ quan chức năng (UBND xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa) giao rồi. Ông Hà còn nói, không biết chặt phá cây rừng trên có hợp pháp hay không nhưng đã cho phép tận dụng khai thác diện tích gỗ rồi nên làm luôn...

Tuy vậy, ông Trần Ngọc Tây, Chủ tịch UBND xã Sơn Hội lại khẳng định chưa bao giờ cho phép chặt phá cây rừng tự nhiên ở vùng rừng đó. Ông Hà chỉ xin phép tận dụng củi gỗ keo sau khi thu hoạch rừng trồng thôi, còn rừng tự nhiên đã được quy hoạch nằm trong bản thiết kế thì không được chặt phá…

Ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Phú Yên lại khẳng định rằng, cây rừng bị chặt phá chỉ làm củi; cơ quan chức năng đã lập biên bản tạm giữ 144,39 tấn “củi”, bao gồm các loại cây cồng cốc, lành ngạnh, muồng… để tiếp tục điều tra làm rõ.

Còn ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên thừa nhận, nhiều hộ nhận đất rừng từ dự án Flitch đã lợi dụng đó để chặt phá cây rừng tự nhiên, mở rộng diện tích trồng lại rừng kinh tế.

Về phía chính quyền tỉnh Phú Yên, mới đây ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu Sở NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm cùng phối hợp với UBND huyện Sơn Hòa điều tra, làm rõ vụ việc trên và sớm báo cáo lên UBND tỉnh.

Dự án "Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên", viết tắt là dự án rừng Flitch được triển khai thực hiện tại 60 xã, 22 huyện của 6 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Phú Yên và Đăk Nông. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao độ che phủ rừng; tăng cường năng lực quản lý, sử dụng rừng và đất rừng cho tổ chức, cộng đồng và hộ dân; quản lý bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học nhằm nâng cao thu nhập của người dân...

Tin cùng chuyên mục