Làm sách chuyên nghiệp không dễ

Từ trước đến nay, nhắc đến làm sách cho thiếu nhi người ta chỉ chú ý đến nội dung có tính giáo dục không, thể hiện có hấp dẫn không… thậm chí khi nhắc đến làm sách cho lứa tuổi nhi đồng, nhiều người còn đánh giá đây là mảng sách “ai cũng làm được”. Vấn đề là còn quá ít đơn vị, tác giả quan tâm mà thôi.

Thế nhưng, với việc mở rộng cửa giao lưu hợp tác với các nước, việc tưởng chừng như “ai cũng làm được” ấy lại không hề đơn giản. Nói như giám đốc một nhà xuất bản lớn chuyên về mảng sách thiếu nhi thì đó là cả một học vấn mà để học được, đòi hỏi rất nhiều công sức và tiền bạc.

Lấy đơn cử như các bộ sách tranh lịch sử trong nước từng được nhiều đơn vị đầu tư, thực hiện với tấm lòng rất đáng khen là nhằm nâng cao ý thức lịch sử dân tộc cho bạn đọc nhỏ tuổi. Thế nhưng, đa số các tác phẩm lại thiếu sức hút, không đạt được số lượng bán ra như mong muốn, đơn vị làm sách phải chịu gánh nặng thua lỗ, kẻ bỏ cuộc, người gắng gượng duy trì vì trách nhiệm.

Một ví dụ khác như bộ sách sử về các nhân vật nổi bật trong lịch sử Việt Nam vừa được xuất bản gần đây. Người làm sách rất cố gắng, nội dung được chăm chút, hình ảnh được đầu tư, bám sát yếu tố lịch sử nhưng khi đưa ra nhà sách sức mua rất thấp, nhiều phụ huynh phản ánh, con họ khi chọn sách cứ cười, chê nhân vật thân to mà đầu nhỏ! Thực sự, nhận xét này của các em cũng không hẳn là sai, khi nhân vật bám sát yếu tố lịch sử, trang phục ngày xưa thường khá rộng nên khi vẽ bám sát tỷ lệ dẫn đến đầu có vẻ nhỏ so với thân.

Khi tiếp xúc với các chuyên gia nước ngoài, chưa nhìn vào nội dung, họ đã đánh giá các tác phẩm của chúng ta không phải là sách cho thiếu nhi mà chỉ là hình thức lấy tranh vẽ minh họa cho lời. Mà ngay cả trong trường hợp đó, tranh cũng không đạt chuẩn. Vẽ cho thiếu nhi không phải chỉ cần họa sĩ, tay nghề vẽ đẹp là đủ mà còn cần rất nhiều kiến thức khác. Ví dụ như ở mỗi lứa tuổi sẽ quan tâm đến hình thức tranh vẽ ra sao, số lượng câu chữ dài ngắn như thế nào? Thậm chí kích cỡ chữ cũng là cả vấn đề, tuổi nhi đồng sẽ ưa thích một dạng cỡ chữ cụ thể, tuổi tiểu học sẽ thích kiểu chữ khác, thậm chí ngay cả tranh vẽ so với khổ sách, nội dung cũng có những tiêu chuẩn tỷ lệ khác biệt nhằm thu hút bạn đọc nhỏ tuổi nhiều nhất.

Tất cả những kiến thức đó đã được những người làm sách thế giới rút tỉa từ khá lâu, tuy nhiên bản chất vấn đề không nằm ở đó mà là ở quan niệm của người làm sách với bạn đọc. Các thay đổi, chỉnh sửa, cải tiến… luôn xem bạn đọc là trọng tâm, lấy ý kiến cụ thể, xem xét đánh giá phản ứng của bạn đọc, để từ đó rút ra những kiến thức nhằm tạo ra các tác phẩm phù hợp nhất cho từng giai đoạn, từng lứa tuổi.

Ở Việt Nam cho đến nay, sáng tác cho thiếu nhi hoàn toàn mang tính tự phát, xoay quanh trung tâm là tác giả và người làm sách hơn là cho bạn đọc. Đơn cử như cuộc tranh luận “manga hay comic” (hai thể loại truyện tranh của Nhật và châu Âu) nhiều năm về trước, mỗi họa sĩ, người làm sách tự bảo vệ quan điểm của mình và tự làm sách theo ý thích của cá nhân mà chẳng hề có ai thử làm các cuộc tham khảo bạn đọc thích thể loại nào, muốn có sự thay đổi như thế nào.

Những người làm sách Việt trong quá trình hội nhập cũng đang bắt đầu thay đổi, họ cũng đã nhận ra làm sách cho thiếu nhi không phải ai cũng làm được. Thậm chí người ta còn quy định cụ thể chất liệu giấy, màu sắc, hàm lượng chì trong mực in… để đảm bảo sức khỏe cho người đọc.

Nhiều tác phẩm trong nước đã bị loại khỏi danh sách làm quà tặng cho thiếu nhi trong các dự án quốc tế, do không đáp ứng những yêu cầu này. Và để có thể làm tốt được mong ước “trăm năm trồng người”, những người làm sách, nhất là sách cho thiếu nhi, cũng đang phải thay đổi, không còn kiểu làm sách như ngày trước mà phải chuyên nghiệp hơn, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu mới của thời đại.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục