Làm sao giữ được vỉa hè?

Từ khi quận 1, TPHCM tổ chức ra quân “giành lại vỉa hè”, dư luận đã chú ý dõi theo, ghi nhận địa phương đã rất quyết tâm và quyết liệt. Vấn đề nhiều người dân đang sôi nổi bàn luận: Sau “giành lại vỉa hè” thì có giữ được trật tự không, hay sau chiến dịch thì vỉa hè lại bị tái chiếm.

Vỉa hè vốn dành cho người đi bộ, tuy nhiên tại nước ta, vỉa hè từ lâu đã bị mất chức năng đó do bị khỏa lấp bởi “kinh tế vỉa hè” với hàng rong, xe đẩy, hàng quán lấn chiếm bày bán ghế, dựng xe máy, đậu ô tô... Hơn một tháng quận 1 ra quân, cái được là nhiều tuyến đường trung tâm TPHCM đã thông thoáng, người vi phạm đã “biết sợ”, nhưng nếu nhìn ở chiều ngược lại cũng còn nhiều điều cần suy nghĩ. Các hàng quán sau khi tém dẹp để trả lại vỉa hè thì lượng khách giảm hẳn do không có chỗ đậu xe máy, còn gánh hàng rong chạy tứ tán như đá ném ao bèo. Trong khi, đằng sau gánh hàng rong là miếng cơm manh áo của những gia đình nghèo khó.

Cũng theo ý kiến của nhiều người, “dẹp vỉa hè đã khó, giữ được vỉa hè còn khó hơn”. TPHCM có hơn 7 triệu xe gắn máy, chưa kể hơn 600.000 ô tô. Tốc độ xe đăng ký mới cứ tiếp tục tăng, riêng ô tô mỗi ngày có gần 200 ô tô đăng ký mới, xe cứ tràn ra đường như cá thả ra biển, đi đã khó, nói gì có chỗ đậu xe. Anh bạn lái taxi cạnh nhà tôi, kể: “Hôm trước vừa bị phạt vì đậu không đúng chỗ. Phạt là phải rồi, nhưng cũng rất ấm ức vì bây giờ chỗ nào cũng cấm, vậy xe đậu ở đâu?”.

Vỉa hè trên đường Đặng Thái Thân trước Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cũng bị chiếm dụng để làm chỗ giữ xe. Ảnh: Quang khoa

Từ quận 1, bây giờ các quận khác như quận 3, Bình Thạnh, Bình Tân… cũng đã xông xáo vào cuộc. Nói theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, tháng 3 sẽ là tháng “giành lại vỉa hè”. Giành lại vỉa hè cho người đi bộ, ai cũng đồng thuận, kể cả người vi phạm hay hộ kinh doanh bị tém dẹp. Đã có đồng thuận xã hội nhưng dường như thiếu sự đồng bộ. Rút kinh nghiệm từ những ngày tém dẹp vừa qua ở quận 1, người dân chờ đợi các quận khác đồng bộ vào cuộc, tránh tình trạng “da beo”, nơi làm nơi không. Giải tỏa việc lấn chiếm vỉa hè chỉ là “chém ngọn”, muốn “xử gốc” phải giải quyết “lỗi hệ thống”, đó là tính toán sắp xếp nơi buôn bán cho hàng rong, người nghèo, xe ôm… không để tái diễn cảnh đẩy đuổi, giằng co trên đường phố, rất phản cảm. Bây giờ là thời điểm thích hợp để đưa ra các giải pháp và tìm kiếm sự đồng thuận xã hội, như tăng phí đậu xe theo giờ để giảm lượng ô tô vào nội thành; lấy ý kiến dư luận xã hội như chia ngày lưu thông cho ô tô biển số chẵn - lẻ, hạn mức quota xe đăng ký mới, tính phí ô tô các tỉnh vào thành phố; triển khai các giải pháp hạn chế xe cá nhân…

“Chém ngọn” là chuyện dễ làm trong ngày một ngày hai, nhưng sau đó mọi chuyện lại… như cũ. Niềm tin sẽ bị xói mòn nếu mọi nỗ lực thành “đánh trống bỏ dùi”. Người dân đồng thuận với chính quyền, chấp nhận có những khó khăn, bất tiện, vì diện mạo của thành phố văn minh, sạch đẹp, vấn đề là giữ trật tự vỉa hè bằng các giải pháp thật căn cơ, đồng bộ, hợp lý, hợp tình.

TRUNG THÀNH (quận 3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục