Làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản

Tiếp tục chuyến thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có nhiều hoạt động quan trọng tại Tokyo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân hội kiến Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân hội kiến Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko

Tiếp xúc cấp cao

Chiều 6-6, tại Nhà khách quốc gia ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ đón, hội đàm và dự chiêu đãi của Thủ tướng Shinzo Abe.  Tại buổi hội đàm, hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ và thực chất của quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua, đặc biệt là các chuyến thăm, gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao, các hoạt động kinh tế, phát triển mới trong hợp tác về công nghệ cao, nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, giao lưu giữa các địa phương, du lịch hai nước. Trong bầu không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi ý kiến sâu rộng và đạt nhất trí cao về những phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Về vấn đề biển Đông, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, các bên liên quan không có những hành động đơn phương bao gồm quân sự hóa, làm thay đổi nguyên trạng, làm phức tạp, mở rộng tranh chấp tại biển Đông; thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông (COC) có hiệu lực.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân đã hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản tại Hoàng Cung, thủ đô Tokyo. Tại buổi hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trân trọng chuyển lời thăm hỏi ân cần và chúc sức khỏe của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản; nhấn mạnh chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu vào tháng 3 vừa qua là một dấu mốc quan trọng, mang tính biểu tượng trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

Nhà vua mong muốn hai nước Nhật Bản và Việt Nam ngày càng thắt chặt các mối quan hệ liên kết gắn bó, tăng cường giao lưu nhân dân, nhất là trong bối cảnh hai nước sẽ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập quan hệ ngoại giao trong năm 2018.  

Cùng ngày, tại Trụ sở Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Date Chuichi. 

Nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 4  đến 8-6, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.

Làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác giữa các bộ ngành và cơ quan hai nước

Tọa đàm với các doanh nghiệp CNTT Nhật Bản

Tại cuộc tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết mối quan hệ hữu nghị, gắn bó giữa hai nước đang ngày càng phát triển trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư.

Thủ tướng cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi diện mạo thế giới, thay đổi phương thức chúng ta sống, làm việc và phát triển. Trong xu thế mới, Việt Nam đang chuyển dần động lực tăng trưởng kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến và lao động chất lượng cao. Việt Nam có lợi thế và tiềm năng phát triển trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về nông nghiệp, CNTT, du lịch và đào tạo phát triển nguồn nhân lực. CNTT ở Việt Nam đang phát triển bùng nổ và từng bước thông minh hóa nhiều ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Năm 2015, Việt Nam đã nằm trong tốp 10 khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tốp 30 thế giới về gia công phần mềm. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu điện thoại, máy tính, máy vi tính, máy ảnh và các loại linh kiện của Việt Nam đã đạt hơn 55 tỷ USD.

Thủ tướng kêu gọi và mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tập đoàn Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển con người.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe đã chứng kiến các bộ ngành và cơ quan hai nước trao đổi 14 văn kiện ký kết, trong đó có Công hàm trao đổi cho 4 dự án vốn vay ODA trị giá 100,3 tỷ yên, tương đương 912 triệu USD (Bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải, quản lý nước Bến Tre; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Biên Hòa giai đoạn 1; phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc giai đoạn 2); các công hàm trao đổi 3 dự án viện trợ không hoàn lại trị giá 2,93 tỷ yên, tương đương 26,6 triệu USD (vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện; chương trình Học bổng Phát triển nguồn nhân lực (JDS) năm 2017; chương trình Học bổng Phát triển nguồn nhân lực (JDS) năm 2018).  

Tin cùng chuyên mục