Giá cả tăng cao đã tác động trực tiếp đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, giá vé các sân khấu, ca nhạc, phòng trà đều không tăng vì các bầu show sợ… mất khán giả! Do vậy, hoạt động văn hóa giải trí cũng chịu tác động không nhỏ.
- Sân khấu vẫn đông khách
Gần đây, dù giá cả hàng hóa có tăng hơn trước nhưng các sân khấu ở TPHCM đều giữ mức giá từ 100.000 - 120.000 đồng/vé. Sân khấu kịch IDECAF, từ thứ sáu đến chủ nhật vẫn diễn đều đặn và lượng khán giả đến rạp xem hát vẫn đông. Với Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, lượng khán giả đến rạp xem vẫn không giảm. Còn Sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn thường xuyên sáng đèn. Thậm chí, Sân khấu Hoàng Thái Thanh còn lên kế hoạch từ 10-4-2011 sẽ tăng thêm suất diễn lúc 16 giờ ngày chủ nhật hàng tuần. Riêng với “bầu” Hồng Vân, trong thời buổi bão giá như hiện nay, sân khấu của chị vẫn hoạt động đều đặn ở hai địa điểm Phú Nhuận và Superbowl.
Tuy hiện nay lượng khán giả đến các rạp vẫn đông, nhưng không vì thế mà các “bầu” sân khấu chủ quan. Bởi trong thời buổi khó khăn, khán giả luôn yêu cầu khắt khe phải xứng đáng “đồng tiền bát gạo”.
- Ca nhạc nhiều khó khăn
Những thay đổi bất thường về thời tiết đã khiến các nhà tổ chức chương trình ca nhạc gặp nhiều khó khăn, nhất là với những chương trình biểu diễn ngoài trời. Người làm show có kinh nghiệm thường cân nhắc và đắn đo trong việc quyết định đưa ra giá vé. Nhìn chung, hiện nay giá vé tại các sân khấu và phòng trà ca nhạc vẫn được giữ nguyên. Ông Lê Ngọc Quang, Biên tập chương trình tại Sân khấu ca nhạc 126 cho biết: “Giá cả tăng khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn nhưng không dám tăng giá vé. Đêm nào có mưa là phải trả lại vé. Nếu tăng giá vé sẽ mất khán giả đáng kể. Thế nên giá vé chúng tôi vẫn giữ 40.000 đồng và 50.000 đồng/vé”.
Bà Thu Dung, Giám đốc Trung tâm băng nhạc Rạng Đông, đơn vị vẫn thường xuyên tổ chức show ca nhạc cũng chia sẻ: “Làm show ca nhạc bây giờ đau đầu lắm, ca sĩ nào cũng muốn diễn ở nơi sang trọng, giá vé cao để thể hiện đẳng cấp của mình. Nhưng trong thời buổi bão giá thế này, đi xem ca nhạc không phải là nhu cầu cấp thiết và không phải khán giả nào cũng sẵn sàng bỏ tiền mua vé xem ca nhạc. Chúng tôi chọn giải pháp giá vé vừa phải để phần đông khán giả đến được với chương trình. Hiện chúng tôi tổ chức định kỳ một tháng hai show diễn tại sân khấu Trống Đồng với giá vé trung bình là 110.000 đồng/vé. Một đêm diễn chúng tôi quy tụ gần 20 ca sĩ, trong đó có từ 6 đến 8 ca sĩ ngôi sao. Giá vé như vậy là phù hợp và vừa phải. Không sợ mưa gió, nhưng phòng trà ca nhạc lại phải tính kỹ lưỡng về giá vé trong thời “trượt giá” hiện nay. Khách đến phòng trà là những khách có thu nhập vào loại trung bình khá trở lên, vì thế, họ chấp nhận việc phụ thu khi có chương trình ca nhạc. Mỗi phòng trà lại có giá phụ thu riêng, và trung bình từ 150.000 - 400.000 đồng/người”.
Chị Hòa, chủ phòng trà Tiếng xưa cho biết: “Thời gian này, phòng trà phải đối mặt với khó khăn về giá cả nói chung. Cái gì cũng tăng giá nhưng nếu mình tăng theo là sẽ mất khán giả ngay. Hiện chúng tôi phụ thu trung bình các đêm ca nhạc là 300.000 đồng/người. Có ngôi sao thì giá tăng lên 500.000 đồng/người”. Ca sĩ bây giờ rất dè dặt khi nghĩ đến việc tổ chức live show vì “cầm chắc lỗ”.
Chỉ những ca sĩ có tên tuổi, có lượng fan hâm mộ đông đảo mới dám làm show và Đàm Vĩnh Hưng là một trong những ca sĩ hiếm hoi thường xuyên tổ chức live show, mà show nào cũng rất hoành tráng về đầu tư tiền bạc, lẫn quy mô tổ chức. Vậy mà Đàm Vĩnh Hưng phải thừa nhận rằng: “Bây giờ làm live show là chuyện không dễ dàng, khó lắm!”. Có thể nói, trong thời điểm hiện tại, để tổ chức một show ca nhạc là câu hỏi “đầu tiên” (tiền đâu?) trở nên “căng thẳng” hơn bao giờ hết!
NHÓM PV VH-VN