Qua nhiều vụ việc tiêu cực bị phanh phui thời gian qua ở các cấp đã chứng minh rõ: nơi nào trong tổ chức Đảng còn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì nơi đó còn tồn tại nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” . Trái lại, nếu nơi nào thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, kịp thời đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trang suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì nơi đó nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng đồng thời được ngăn chặn và đẩy lùi.
Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) có sự phân định rõ ràng từng loại suy thoái và nêu cụ thể, có hệ thống các biểu hiện của suy thoái, trong đó suy thoái về tư tưởng chính trị có 9 biểu hiện và suy thoái về đạo đức, lối sống cũng có 9 biểu hiện. Sự phân định rõ ràng này giúp cho cán bộ, đảng viên dễ hiểu, dễ liên hệ trong quá trình thực hiện tự phê bình và phê bình.
Tuy nhiên, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên không đóng khung trong 18 biểu hiện như đã nêu mà nó sẽ trở nên đa dạng, phong phú hơn nhiều nếu được vận dụng linh hoạt, sát với từng đối tượng, từng lĩnh vực hoạt động khác nhau của cán bộ, đảng viên (biểu hiện suy thoái trong cơ quan công quyền, thuế, hải quan, quản lý đất đai, quản lý thị trường, thanh tra xây dựng...). Làm được như vậy nhất định sẽ đạt được hiệu quả cao hơn, phù hợp với mục tiêu và yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII).
Phát huy vai trò của người dân trong công tác xây dựng Đảng bằng cách tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân giám sát hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. (Ảnh: Chuyên viên Sở KH-ĐT hướng dẫn người dân, doanh nghiệp làm thủ tục). Ảnh: CAO THĂNG
Suy thoái thường chuyển động theo chiều hướng giảm sút, bào mòn dần và có tính chất kéo dài. Với đặc điểm này, người trong cuộc nếu không tỉnh táo rất khó nhận biết mình đã suy thoái. Dù là cán bộ, đảng viên, chức vụ cao hay thấp, trải qua thử thách, rèn luyện nhiều hay ít cũng khó tránh khỏi có lúc bị suy thoái với những mức độ khác nhau. Khái niệm suy thoái được Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) dùng để chỉ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay.
Trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) vừa qua, bên cạnh những tập thể và cá nhân đã liên hệ phê phán sâu sắc những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và đề ra nhiều giải pháp khắc phục có hiệu quả, cũng còn không ít tập thể và cá nhân sau khi kiểm điểm đã kết luận, không có suy thoái (!?). Số cán bộ, đảng viên này đã bộc lộ sự định kiến đối với từ suy thoái. Coi suy thoái như là một sai phạm nặng nề, thậm chí hư hỏng, không thể chấp nhận được. Cùng một sự việc như nhau nếu phê bình là khuyết điểm thì tiếp thu, còn cho đó là suy thoái thì tìm cách chống chế. Định kiến đó đã làm hạn chế rất nhiều đến kết quả tự phê bình và phê bình trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái. Vì vậy, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình, làm cho mọi cán bộ, đảng viên nhận thức thông suốt khái niệm suy thoái, từ đó mạnh dạn liên hệ những biểu hiện suy thoái của bản thân, cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Về những giải pháp đẩy lùi suy thoái, theo tôi, chỉ cần thực hiện đầy đủ, có hiệu quả 4 nhóm giải pháp theo Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) đề ra. Đó là về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; về phát huy vai trò của nhân dân, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Bên cạnh đó, đối với tổ chức cơ sở Đảng, sau khi học tập quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) và Chỉ thị số 05 CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cần xây dựng ngay chương trình hành động sát với đặc điểm tình hình của từng đảng bộ, chi bộ đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát kết quả việc thực hiện. Cấp ủy và người đứng đầu tổ chức đảng phải nêu cao vai trò gương mẫu để cán bộ, đảng viên noi theo.
Đối với cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cấp ủy cần yêu cầu tham dự học tập quán triệt đầy đủ, nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) và Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị. Dựa vào 2 văn kiện đó và chương trình hành động của đảng bộ, chi bộ, mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần có chương trình hành động cụ thể của mình, cam kết thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, đồng thời định kỳ có báo cáo kết quả thực hiện trước chi bộ.
Chỉ có làm thật, làm nghiêm cộng với giám sát kỹ và có các biện pháp chế tài kèm theo thì mới có thể đưa được Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) đi vào cuộc sống!
TÔ VĂN GIAI
Nguyên Phó Giám đốc Trường Tuyên huấn Trung ương 2