Làm tốt PCCC là tự bảo vệ tính mạng, tài sản của chính mình

- Phóng viên:
Làm tốt PCCC là tự bảo vệ tính mạng, tài sản của chính mình

Liên tiếp các vụ cháy lớn xảy ra gần đây, nhất là xảy ra tại nhà cao tầng, nhà máy, khu công nghiệp... đã gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong khi đó, ý thức phòng ngừa và việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC) còn nhiều hạn chế bất cập khiến nguy cơ cháy nổ rất cao. Để làm rõ hơn những vấn đề xung quanh công tác PCCC và các biện pháp phòng ngừa, phóng viên đã cuộc trao đổi với Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn (CHCN), Bộ Công an.

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh

- Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về ý thức và việc tuân thủ thực hiện các quy định về PCCC hiện nay của người dân và các đơn vị, doanh nghiệp?

>> Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh: Trong những năm qua,  các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCCC. Ý thức và kiến thức của người dân về công tác PCCC và CHCN từng bước được nâng cao, hoạt động PCCC và CHCN ở nhiều nơi đã đi vào nền nếp. Qua đó tác động tích cực đến các mặt công tác PCCC và CHCN, kiềm chế được số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra so với tốc độ phát triển của kinh tế - xã hội, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, công tác PCCC và CNCH vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội phát triển nhanh chóng. Theo thống kê cho thấy, tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến hết sức phức tạp. trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm cả nước xảy ra hơn 2.000 vụ cháy, nổ, làm chết và bị thương hàng trăm người, thiệt hại về tài sản hàng ngàn tỷ đồng. Đặc biệt, có nhiều vụ cháy lớn tại các chung cư cao tầng, các khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, môi trường đầu tư và an sinh xã hội.

- Theo ông, vì sao tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp?

Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do các cấp, các ngành chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC. Một số người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chủ hộ gia đình và người dân chưa nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong PCCC. Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kiến thức phổ thông về phòng ngừa cháy nổ còn hạn chế. Tình trạng vi phạm các quy định về PCCC còn khá phổ biến. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước về PCCC chưa được quan tâm đúng mức, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Cán bộ, chiến sĩ chuyên trách PCCC còn thiếu về số lượng, chưa tinh thông về nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp chưa cao. Phương tiện PCCC và CNCH còn rất thiếu và lạc hậu, các điều kiện cơ sở hạ tầng bảo đảm cho công tác PCCC còn hạn chế.

- Hiện nay tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM ngày càng nhiều nhà cao tầng, trung tâm thương mại... Như vậy công tác PCCC ở đây trong thời gian tới phải chuyển biến thế nào?

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các khu đô thị ngày càng phát triển, các tòa nhà cao tầng, siêu cao tầng, khu trung tâm thương mại, khách sạn được xây dựng và phát triển ngày càng nhanh chóng. Theo thống kê, trên cả nước hiện có gần 3.000 tòa nhà cao tầng, trong đó tập trung chủ yếu tại một số thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng… Các tòa nhà cao tầng có đặc điểm là cháy, nổ rất phức tạp, cháy có thể xảy ra bất cứ khi nào, chữa cháy khó khăn. Do vậy, để đảm bảo yêu cầu an toàn PCCC cho loại hình công trình cao tầng, ngoài các yêu cầu về kiến trúc, công năng sử dụng, giải pháp thoát nạn, giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan… thì yêu cầu trang bị hệ thống kỹ thuật, phương tiện về PCCC, an ninh, an toàn đóng vai trò không thể thiếu, đặc biệt là các giải pháp trang bị kỹ thuật để phòng ngừa, phát hiện và cảnh báo nguy cơ cháy.

Để thực hiện hiệu quả công tác PCCC, đòi hỏi trước hết là các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và người dân phải xác định rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác PCCC và CNCH; coi đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên. Làm tốt công tác PCCC và CNCH là tự bảo vệ tính mạng, tài sản của chính mình, là phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương và góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

- Xin cảm ơn ông!

* Sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 44 của Thủ tướng về công tác PCCC và CNCH, lực lượng cảnh sát PCCC đã thực hiện cứu nạn, cứu hộ 1.558 vụ, sự cố, tai nạn, trong đó 465 vụ cháy, nổ (chiếm 29,85%), 646 vụ dưới nước (chiếm 41,46%), 113 vụ tai nạn giao thông (chiếm 7,25%), 47 vụ sập đổ công trình (chiếm 3,02%), 79 vụ trên cao, trong hang hầm, giếng sâu (chiếm 5,07%), 208 vụ sự cố, tai nạn khác. Tổ chức hướng dẫn thoát nạn hàng chục ngàn người, cứu được 1.410 người, tìm kiếm 580 thi thể nạn nhân bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục