Trong một bài tùy bút của mình, tôi đã viết: “Biển luôn rộng rãi và bao dung. Biển là nơi tôi muốn đến cuối cùng sau những nỗi niềm không thể nào hóa giải. Tôi trút vào biển từng hơi thở và chợt thấy nhẹ lòng”. Nhưng rồi...
Đồng cảm
Tôi đến Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh vào một ngày nắng và cát nóng rát. Miền Trung ít khi có những ngày mùa thu dịu trời. Biển miền Trung càng không. Chỉ có gió mạnh hơn một chút, chỉ có nắng gắt hơn một chút và đám cỏ cháy vàng trước biển như thể chỉ một trận gió to là vỡ nát, bay tứ tung mù mịt ra biển.
Cẩm Lĩnh - một vùng cửa biển Hà Tĩnh
Làng biển, không có lưới. Những con thuyền cũ kỹ nằm úp ngược và những mảnh ván tả tơi sau một cơn bão lớn. Vắng hoe! Chỉ đôi ba đứa trẻ con ngồi vọc cát dưới hàng dương rộ nắng. Chúng không chơi đâu xa, chỉ quẩn quanh bên mấy chiếc thuyền thúng tròn ngủ vùi sau một đêm thức biển. Xung quanh đìu hiu, buồn! Tôi nhìn ra phía Cửa Nhượng, cùng một cửa sông thôi, nhưng phía bên kia bờ sông Rác, Cẩm Nhượng trù phú hơn nhiều. Rồi chợt thấy chùng lòng, cùng một dải đất trải dài theo mép biển, Cẩm Lĩnh như một con rùa nhô đầu ra phía biển, đầu chúi xuống nước hứng những cơn gió đầu tiên thổi từ biển vào đất liền.
Tôi vẫn giữ nguyên quyết định đến làng biển này, dẫu trước khi đến đây, một người bạn đã nói với tôi: “Đừng đến nữa, không gặp được ai đâu. Trong làng chỉ có đàn bà và trẻ con thôi nhưng họ không muốn gặp người lạ và tránh kể về cuộc đời của họ”. Nghĩ thế, tôi không hỏi gì nhiều. Việc của tôi bây giờ là thầm lặng quan sát, lặng lẽ nhìn ra ngoài trời đang gay gắt nóng để đồng cảm với cuộc sống của người dân nơi đây.
Cẩm Lĩnh nằm ở vùng bãi ngang giống như bao vùng biển ở Hà Tĩnh. Nguồn lợi thủy sản không nhiều. Ngư cụ đánh bắt lại thô sơ, chỉ khai thác được ở vùng biển lộng (gần bờ). Đời sống của bà con nơi đây gặp rất nhiều khó khăn nên từ bao đời nay nghề lặn được xem là một nghề “cốt tử” để nuôi sống dân biển. Dẫu biết phải đối mặt với không ít những hệ lụy, nhưng chính lợi nhuận thu được nghề lặn biển đã khiến ngư dân theo đuổi suốt từ đời này sang đời khác.
Tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện về những Yết Kiêu nổi tiếng trong làng. Họ sống với biển nhiều hơn ở nhà, gắn bó với biển như chính biển là nhà. Nghề lặn đặc biệt kén chọn, khắc nghiệt đối với những người lấy nghiệp lặn làm kế sinh nhai; đòi hỏi phải có sức khỏe và kinh nghiệm, song để lặn được ở độ sâu từ 20m trở lên, trước hết phải có thân hình cường tráng, không mắc bệnh tim mạch, bệnh máu đông và các bệnh hô hấp. Bên cạnh đó, thợ lặn phải có kinh nghiệm lấy hơi, chịu đựng được áp lực nước bền bỉ, dẻo dai. Do đó, độ tuổi trung bình của thợ lặn chỉ từ 20 - 40. Sau 45 tuổi, không ai còn đủ sức khỏe để đeo bám với nghề nữa. Chính vì thế, khi vùng biển quê hương dần trở nên cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, cũng là lúc những người dân nơi đây bỏ làng ra đi. Bắt đầu cũng từ hai chữ: thoát nghèo.
Nhưng không bao giờ thoát biển!
Phụ nữ xã Cẩm Lĩnh lấy thịt ngao - sò do chồng con đem về từ nghề lặn biển
“Ăn cơm dương gian,làm việc thủy phủ”
Kể từ những năm 1990, những người đàn ông đầu tiên lần lượt rời làng đi làm thuê ở các vùng biển khác. Người vào Nam, kẻ ra Bắc, họ đem theo nghề lặn biển đến các vùng có nhiều hải sản quý giá. Hiện nay, nhu cầu ngày càng cao của thị trường về những hải sản quý như hải sâm, hoa đá, sò biển... đã đem lại cho những thợ lặn thuê nhiều đổi thay về cuộc sống...
Tôi nhớ có lần Vỹ - bạn học hồi sinh viên nói với tôi:
- Anh mình vào Nam rồi, đi lặn sò huyết thuê ở TP Vũng Tàu, cũng kiếm được tiền lắm. Sau này, nếu ra trường không xin được việc, mình cũng sẽ vào đó.
- Dễ rứa sao? Tôi ngây thơ hỏi.
- Nghề này bạc lắm, có khi phải đánh đổi cả mạng sống của mình. Bạn tưởng tượng đi, người ta phải lặn xuống độ sâu 20 - 40m chỉ với một ống dẫn thở và một túi chì thôi.
Thật lòng lúc đó tôi rất mơ hồ, cứ nghĩ đó là một nghề mà đàn ông vùng biển ai cũng có thể làm được nên đành ậm ừ cho qua chuyện. Rõ rồi, nhà Vỹ mấy đời bám biển, theo nghiệp biển cũng là điều hiển nhiên. Tôi cũng đã được xem nhiều trên tivi về những người thợ lặn với chân nhái và họ bơi trong những đám rong rêu đầy màu sắc một cách nhẹ nhàng, y như họ đang thong dong dạo chơi trong thủy cung vậy.
Bây giờ tôi ngồi đây, trong căn nhà trống trơn của một người đàn bà miền biển. Nhà liêu xiêu, không có bóng dáng người đàn ông, càng thêm tiêu điều. Chị ngồi trước di ảnh chồng, không khóc được nữa. Chồng chị đã vĩnh viễn nằm lại với biển trong một lần đi lặn.
Và còn rất nhiều cái chết đau lòng nữa, khi hầu như năm nào người dân nơi đây cũng đón nhận vài hung tin. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn xã có hơn 30 đàn ông - những trụ cột của gia đình đã phải bỏ mạng giữa đại dương và khoảng 50 người chịu cảnh tàn phế suốt đời.
Tôi lặng lẽ rời nhà chị, đi trên con đường rợp đầy hàng dương ra biển. Tôi để ý thấy những dấu chân mới in trên cát ướt của một ông già đi trước. Đó không phải là dấu chân bình thường. Rõ là bàn chân đó lướt trên cát, cát ướt kéo những vệt lê lết dài của một người bại liệt. Hỏi ra mới biết, ông cũng từng là thợ lặn. Ông bị tàn phế cũng do nghề lặn. Dấu chân chứa đựng những đớn đau, nhọc nhằn của nghề lặn biển. Không chỉ có cái chết, nỗi đau từ nghề lặn còn đeo bám đời sống của những người “ăn cơm dương gian, làm việc thủy phủ” trong những bước chân tập tễnh, thậm chí nhiều người phải nằm một chỗ suốt đời. Cũng có người bị sức ép từ nước dẫn tới bị điếc, ù tai và trở thành tàn phế. Nhìn hàng dương tiêu điều vừa qua cơn bão lũ, sóng đục ngầu rêu rác khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Tất cả họ dấn thân, hy sinh cũng chỉ với mong ước thoát khỏi cảnh nghèo bám riết họ từ đời này sang đời khác.
Hy vọng ở tương lai
Và những câu chuyện buồn trên ốc đảo này vẫn cứ liên tiếp xảy ra không hẹn trước. Cả xã có hơn 500 người đi lặn biển là từng đấy những số phận, hoàn cảnh khác nhau về những con người tha phương kiếm sống. Chợt nghĩ đến cái đói khổ cũng là lẽ thường khi điện - đường - trường - trạm nơi đây còn đang rất hạn chế. Dân làng bãi ngang nơi đây đang hy vọng vào một ngày mai tươi sáng, với khát vọng thoát khỏi đói nghèo. Đó là câu trả lời xác đáng cho câu hỏi tại sao cái nghề mạo hiểm này vẫn cứ được duy trì từ đời này sang đời khác như một nghề truyền thống, một nghề nối dõi kiếm kế sinh nhai của người dân miền duyên hải quanh năm bám mặt với biển.
Tôi rời làng biển khi trời sắp về chiều. Qua cửa kính ô tô, Cẩm Lĩnh như một ốc đảo nằm giữa một bên cửa sông, một bên cửa bể chòng chành như một chiếc thuyền nan mùa mưa lũ. Chợt nghĩ rằng, điều cần nhất bây giờ là khi họ không thể bỏ nghề vì bát cơm manh áo thì ngoài việc cần hỗ trợ cho họ những công cụ bảo hiểm như một thợ lặn chuyên nghiệp, các cơ quan chức năng cần tập trung tuyên truyền để những người thợ lặn hiểu được những tác hại của các dụng cụ bảo hiểm thủ công khi lặn sâu dưới đáy đại dương, để họ có thể tự bảo vệ chính mình một cách hữu hiệu. Làm được điều đó, tôi tin sau này, bao đứa trẻ lớn lên sẽ nối nghiệp ông cha gắn mình với biển. Nhưng không phải để mưu sinh bằng cái nghề nhọc nhằn lặn biển thủ công nữa, mà sẽ chinh phục biển bằng trí tuệ và tâm hồn yêu biển và giữ gìn biển cả. Tất cả chỉ mới bắt đầu.
TRẦN QUỲNH NGA