Lần đầu tiên phẫu thuật ghép gan cho người lớn ở phía Nam

Ngày 12-10, ca phẫu thuật ghép gan cho người lớn đầu tiên ở khu vực phía Nam được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhân C.T.K.Đ. (52 tuổi, ngụ Đắk Nông) bị suy gan gần 10 năm qua. Người hiến gan là anh D.H.L. (22 tuổi), con của bà Đ. Tham gia phẫu thuật có 37 bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện Chợ Rẫy và 16 bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện ASAN Medical Center (Hàn Quốc).

(SGGP)- Ngày 12-10, ca phẫu thuật ghép gan cho người lớn đầu tiên ở khu vực phía Nam được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhân C.T.K.Đ. (52 tuổi, ngụ Đắk Nông) bị suy gan gần 10 năm qua. Người hiến gan là anh D.H.L. (22 tuổi), con của bà Đ. Tham gia phẫu thuật có 37 bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện Chợ Rẫy và 16 bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện ASAN Medical Center (Hàn Quốc).

Theo đó, một ê kíp thực hiện việc tách lấy gan từ người cho (con trai); ê kíp còn lại cắt bỏ gan hư của người nhận (người mẹ) và ghép gan của người cho vào người nhận.

Theo PGS-TS-BS Trần Minh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, ê kíp đã sử dụng dao Cusa để phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhân. Thiết bị này ít gây chảy máu, ít làm tổn thương mô lành xung quanh và rút ngắn thời gian phẫu thuật đáng kể. Sau khi phẫu thuật xong, bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi, chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tính đến nay, Việt Nam đã thực hiện 17 ca ghép gan ở trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Nhi đồng 2) và 6 ca ghép gan ở người lớn (Bệnh viện 103 và Bệnh viện Việt - Đức, Hà Nội).

° Cùng ngày, kíp phẫu thuật Bệnh viện 19-8, Bộ Công an đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên mà người cho thận và người nhận không cùng huyết thống. Bệnh nhân được ghép thận là ông Nguyễn Quốc H., 46 tuổi, ở Từ Liêm, Hà Nội và người cho thận là Võ Văn S., 20 tuổi, ở Cần Giờ, TPHCM. BS Phạm Quốc Cường, Trưởng khoa Thận khớp cho biết, bệnh nhân H. được phát hiện suy thận độ 2 từ năm 2006, đã được điều trị các thuốc kiểm soát huyết áp, trợ tim, lợi tiểu, sinh tố…

Đến tháng 2-2012, chức năng thận của bệnh nhân ngày càng suy giảm và được chẩn đoán suy thận độ 4. Trước khi được ghép thận, bệnh nhân đã trải qua 56 lần lọc máu. Các kết quả xét nghiệm trước ghép cho thấy, người cho và người nhận thận có cùng nhóm máu, hòa hợp miễn dịch đến 60%, người cho thận hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh mãn tính và tình nguyện cho thận. Việc mổ lấy thận của người cho được thực hiện bằng phương pháp nội soi, có ưu điểm là ít tổn thương đến thận ghép, đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho bệnh nhân và nhanh hồi phục.

T.ĐẠT - K. QUỐC

Tin cùng chuyên mục