Trước những chương trình biểu diễn ồn ã nhuốm màu ngoại lai, thì sự trở lại của chương trình Làn điệu phương Nam do Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh TPHCM (Sở VH-TT-DL) thực hiện là một dấu ấn đẹp.
Từ lâu, thương hiệu Làn điệu phương Nam đã được đông đảo công chúng tán thưởng, ủng hộ, nên khi chương trình tạm ngưng hơn một năm qua để củng cố, làm mới đã khiến nhiều người sốt ruột mong chờ. Từ nay, sân khấu nghệ thuật dân tộc này được tổ chức định kỳ hàng tháng tại Nhà hát thành phố sẽ góp phần quảng bá, tuyên truyền, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát bội, dân ca, cải lương… Không nói ra, nhưng đây còn là cách làm hưởng ứng thực hiện Chỉ thị 65 của Bộ VH-TT-DL về việc chấn chỉnh, củng cố hoạt động biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang đang được ráo riết thực hiện trên phạm vi cả nước.
Trong chương trình Làn điệu phương Nam vừa được mở ra thể nghiệm vào tháng 9-2012 vừa qua, công chúng mộ điệu sân khấu cải lương đã được gặp lại những gương mặt nghệ sĩ tài danh một thời và lớp nghệ sĩ trẻ kế thừa có tâm huyết với nghề như: NSƯT Diệu Hiền, Thoại Miêu, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Phượng Loan, nghệ sĩ Bạch Long, Tú Trinh, Kiều Phượng Loan, Vũ Luân, Tú Sương, Trinh Trinh, Quốc Kiệt… qua đêm nghệ thuật chủ đề Vầng trăng mẹ 2 có giá vé khá mềm.
Và tối nay, 4-10, tại Nhà hát thành phố, chương trình Làn điệu phương Nam phiên bản mới chính thức phục vụ khán giả (không bán vé) vở diễn mới Ký ức mùa xuân (tác giả: Quốc Khánh, chỉnh lý kịch bản và dàn dựng: NGƯT Diệu Đức, thiết kế và xử lý mỹ thuật: họa sĩ Lê Văn Định - họa sĩ Diễm Ngọc, xử lý âm nhạc: nhạc sĩ Trương Minh Châu). Vở diễn có sự góp mặt của nghệ sĩ Lê Tứ, Hà Như, Võ Thành Phê, Hoài Dương, Thanh Tâm, Minh Trường…
Sự kiện thành phố có thêm một sân khấu nghệ thuật truyền thống dân tộc, được tổ chức biểu diễn định kỳ tại địa điểm ngay khu trung tâm thành phố, sẽ là một khích lệ lớn đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật dân tộc, là cơ hội để khán giả trong nước có dịp thưởng thức, tìm hiểu và cổ vũ nghệ thuật nước nhà, đồng thời, góp phần đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu văn hóa Việt của du khách quốc tế.
Cách làm này hiện tại còn mang một ý nghĩa rất lớn: tuyên truyền, quảng bá và làm sinh động hoạt động biểu diễn các loại hình nghệ thuật cổ truyền, dân gian dân tộc, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, lối sống nhân văn, nghĩa tình… thông qua các sáng tác dân gian (ca dao, tục ngữ, hò, vè), trình diễn những tuồng tích lịch sử nổi tiếng, các trích đoạn cải lương đặc sắc… đã đi vào lòng người bao thế hệ.
Thực tế cho thấy, không phải chỉ những cô bác lớn tuổi, các cựu chiến binh mới thích xem tiết mục, tuồng tích về một thời hào hùng của dân tộc, về sự dũng cảm của quân và dân ta trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước mà ngay cả không ít bạn trẻ ngày nay cũng tỏ ra hào hứng, tâm đắc khi thưởng thức những chương trình nghệ thuật dân tộc hoặc truyền thống cách mạng. Giới trẻ, nhất là sinh viên ngày càng quan tâm đến đời sống nghệ thuật cổ vũ lòng yêu nước, khích lệ tinh thần sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc của thanh niên…
Trong thời buổi những chương trình truyền hình thực tế du nhập từ nước ngoài, rồi cả những showbiz Việt lùm xùm với quá nhiều điều tiếng không hay, thì sự trở lại của Làn điệu phương Nam phiên bản mới là rất kịp thời để góp phần cân bằng lại diện mạo của hoạt động biểu diễn. Điều này còn gợi ra một mô hình mới trong cách tiếp cận với giới trẻ bằng nghệ thuật, thuyết phục công chúng bằng tác phẩm có chất lượng do nghệ sĩ tài năng thể hiện.
Những khán giả say mê nghệ thuật truyền thống dân tộc luôn sẵn lòng, chung tay cùng các nghệ sĩ, diễn viên, ê kíp thực hiện chương trình góp phần quảng bá, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị to lớn của nghệ thuật truyền thống dân tộc, truyền thống yêu nước trong giai đoạn giữ vững môi trường hòa bình, bảo vệ Tổ quốc.
THÚY BÌNH