Múa lân - sư - rồng vốn là bộ môn nghệ thuật dân gian đường phố, thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên đán. Ba con vật này tượng trưng cho thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc và đem lại may mắn nên thường được mời đến múa.
Một đội lân chuyên nghiệp thường khoảng 20 người với nhiều thiết bị, vật dụng, cờ hoa và chuyên nghiệp trong từng động tác biểu diễn. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, ngoài sự có mặt của các đội lân tên tuổi còn xuất hiện nhiều nhóm múa nghiệp dư, hoạt động thiếu bài bản, chủ yếu chỉ để “vòi tiền” gia chủ trong mấy ngày tết. Nhiều gia đình đã trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của các nhóm múa không mời mà đến này.
Bác Sáu, chủ một cửa hàng hoa tươi trên đường Hồ Thị Kỷ (quận 10, TPHCM) cho biết: “Các đội lân “dỏm” thường đi thành từng nhóm, khoảng 4-8 thanh niên với trang phục màu đỏ, kéo theo trống và một người đeo mặt nạ ông Địa hoặc Thần tài. Nhà nào mở cửa nhóm múa cũng “xộc” vào gõ trống, múa may quay cuồng, bất chấp gia chủ có mời hay không. Sau đó, người đeo mặt nạ ông Địa hoặc Thần tài sẽ chúc phúc cho gia đình và đưa tay “vòi” phong bao lì xì. Chủ nhà nào không đưa tiền lập tức sẽ bị người đại diện nhóm múa đến kèo nài ra giá. Tâm lý bà con ngày tết không muốn xảy ra chuyện không hay nên đành bấm bụng chi tiền cho qua chuyện”.
Ăn được thành quen, hoạt động “vòi tiền” trắng trợn này ngày càng nhiều. Các đội lân “dỏm” liên tục sinh sôi nảy nở khiến người dân sợ hãi, hễ nghe tiếng trống lân là đóng cửa lại để tránh những vị khách không mời. “Trung bình cứ khoảng 3 tiếng đồng hồ lại có một nhóm lân đến múa. Gia đình tôi cảm thấy rất bực mình khi buộc phải tiếp đón các nhóm lân “dỏm” này”, anh Hùng, một người dân sống ở hẻm 472 Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) chia sẻ. Đặc biệt, ở các con đường có nhiều cửa hiệu buôn bán, nạn lân “dỏm”, Thần tài “giả” hoạt động càng nhộn nhịp hơn. Song cũng vì thế đã xảy ra nhiều trường hợp chủ nhà ẩu đả với đội lân vì chuyện tiền nong. Thậm chí ở một số huyện ngoại thành như Hóc Môn, Củ Chi… cũng đã bắt đầu xuất hiện các đội lân “dỏm”, làm ăn theo kiểu chụp giựt, bát nháo.
Múa lân chúc tết đầu năm là một hoạt động truyền thống mang ý nghĩa tốt đẹp. Song một số đội lân biến tướng đang làm hoạt động này thành một kiểu “ăn xin” gây phiền hà cho người dân.
Thanh Thu (Q.Bình Thạnh, TPHCM)