Làn gió cánh tả mới ở Mỹ Latinh

Sau thời gian trải qua các biến động chính trị, kinh tế, xã hội, Mỹ Latinh lại một lần nữa chứng kiến sự thay đổi đến từ các lực lượng cánh tả, khi nhiều cuộc bầu cử đưa những ứng viên theo đuổi xu hướng tiến bộ lên cầm quyền. 

Mang tính lịch sử 

Ngày 11-3, ông Gabriel Boric nhậm chức Tổng thống Chile, trở thành tổng thống dân cử trẻ tuổi nhất trong lịch sử Chile và cũng là ứng viên tổng thống giành được số phiếu ủng hộ cao nhất trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này. Chiến thắng của ông Gabriel Boric được xem là thắng lợi của các lực lượng quần chúng đông đảo.  

Mục tiêu của ông Gabriel Boric là xây dựng một nền dân chủ xã hội có quyền lợi kinh tế và chính trị mở rộng, vừa đảm bảo giải quyết bất bình đẳng xã hội, vừa tránh xa chủ nghĩa độc tài. Nhà hoạt động trưởng thành từ phong trào đấu tranh sinh viên này sẽ phải đối diện thách thức khổng lồ, từ khôi phục kinh tế cho tới tiếp tục thúc đẩy tiến trình thay đổi hiến pháp. Đó là chưa kể tới những cam kết tranh cử đầy tham vọng khác của ông, như cải cách hệ thống phúc lợi xã hội, xây dựng hệ thống dịch vụ y tế toàn dân, thúc đẩy giáo dục công, giải quyết vấn đề nhà ở, tăng lương cho người lao động, chống buôn bán ma túy… 

Chiến thắng của ông Gabriel Boric, một ứng viên công khai ủng hộ quyền tiến bộ của phụ nữ, còn được những người đồng cấp theo tư tưởng tiến bộ khắp khu vực Mỹ Latinh ca ngợi là có tính lịch sử.

Trước đó, Honduras cũng đã bước sang trang sử mới với chiến thắng của ứng viên tổng thống cánh tả Xiomara Castro, thuộc đảng Tự do và Tái lập. Bà Castro không chỉ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của quốc gia Trung Mỹ này mà còn là chính trị gia phá vỡ thế lưỡng đảng (đảng Tự do và đảng Dân tộc) cầm quyền kéo dài suốt hơn 200 năm lịch sử của Honduras độc lập. Cuộc bầu cử có tỷ lệ cử tri tham gia cao nhất trong lịch sử Honduras (69%) càng mang ý nghĩa “thay đổi thời đại” ở một trong những xã hội vẫn còn mang tính trọng nam khinh nữ nặng nề nhất tại Mỹ Latinh. 

Nữ tổng thống đầu tiên của Honduras - Bà Honduras Xiomara Castro

Vào cuối tháng 11 năm ngoái, tại Venezuela, đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất cầm quyền cùng các chính đảng cánh tả đồng minh trong Khối Ái quốc lớn đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử địa phương khi giành ghế thống đốc kiểm soát tại 20 trên tổng số 23 bang, cùng chức thị trưởng thủ đô Caracas, cũng như quyền kiểm soát phần lớn trong số 335 đơn vị cấp quận, huyện. Cho dù chỉ là một cuộc bầu cử địa phương, nhưng đây là sự kiện rất có ý nghĩa chính trị đối với Venezuela, khi các lực lượng đối lập chủ chốt đã quay lại tham gia bầu cử sau 5 năm theo đuổi chính sách tẩy chay, đánh dấu thành công cho chính sách hòa giải của đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất và tạo bước ngoặt trên chính trường nước này.

Những kết quả trên, cùng với thắng lợi của Tổng thống cánh tả Daniel Ortega và Mặt trận Giải phóng dân tộc Sandino trong cuộc tổng tuyển cử cuối năm ngoái tại Nicaragua, đã tiếp nối những chiến thắng của các lực lượng tiến bộ trong các cuộc bầu cử tại Mexico, Bolivia và Peru. Cùng với triển vọng khả quan của các ứng viên cánh tả Lula da Silva tại Brazil và Gustavo Petro tại Colombia ở các cuộc bầu cử vào năm 2022, các diễn biến trên đang vẽ nên một biểu đồ chính trị mới tại Mỹ Latinh với cán cân nghiêng về phía các lực lượng tiến bộ.

Thuận lợi và khó khăn 

Nhận định về làn gió cánh tả mới sau nhiều cuộc bầu cử tại Mỹ Latinh, giới quan sát cho rằng, tình hình kinh tế, xã hội tại khu vực đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự trở lại nắm quyền của các lực lượng cánh tả. Cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và vấn đề y tế đang diễn ra gay gắt do tác động của đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm những khiếm khuyết về an sinh xã hội. Do đó, người dân có xu hướng phản đối những chính phủ cánh hữu đương nhiệm - vốn thất bại trong việc thu hẹp tình trạng bất bình đẳng và đói nghèo. Họ hy vọng chính phủ cánh tả sẽ bảo đảm mạng lưới an sinh xã hội bao trùm, y tế công cộng hiệu quả và mạnh mẽ hơn. Đáp ứng các mối quan tâm chính đáng của người dân, các chính phủ cánh tả mới đều cam kết áp dụng các chính sách thân thiện với thị trường, giảm bất bình đẳng, thúc đẩy hội nhập kinh tế, tập trung cải thiện nguồn vốn con người và thu hút đầu tư nước ngoài thông qua lợi thế so sánh của quốc gia.

Trong một báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới có cảnh báo về sự suy yếu của nền kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribbean, đặc biệt khi nhiều người mất việc do đại dịch Covid-19 không thể gia nhập lại thị trường lao động. Kết quả một cuộc khảo sát do Ngân hàng Thế giới  thực hiện cho thấy, chỉ 62% dân số Mỹ Latinh và Caribbean trong độ tuổi lao động hiện có việc làm, thấp hơn 11% so với trước khi đại dịch bùng phát. Colombia và Brazil là những nước có tỷ lệ việc làm thấp nhất khu vực, với mức giảm khoảng 17% so với thời điểm trước đại dịch. 

Sau khi ghi nhận mức phục hồi 6,7% vào năm 2021, nền kinh tế Mỹ Latinh sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm nay và 2,7% năm 2023, do phải đối mặt nhiều rủi ro lớn như dịch tái bùng phát, căng thẳng tài chính và sức ép trả nợ. Dự báo đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Mỹ Latinh sẽ không chỉ thấp hơn các nền kinh tế phát triển, mà còn tụt lại so với các nước Đông Á - Thái Bình Dương, Trung Âu và Trung Á. 

Sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 phần nào hỗ trợ cho các chính phủ cánh tả mới, nhưng chi tiêu ngân sách phát sinh do đại dịch Covid-19 sẽ đặt ra một thách thức lớn. Trong khi đó, các vấn đề cơ cấu để tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm vẫn chưa hẳn thuận lợi ở hầu hết các quốc gia. Theo các chuyên gia, nếu không điều hành hiệu quả, các chính phủ mới khó tránh khỏi nguy cơ quan liêu, tham nhũng như từng xảy ra trước đây ở một số quốc gia trong khu vực.

Tin cùng chuyên mục