Làn sóng chống đối báo chí phương Tây ngày càng dữ dội tại nhiều nước Hồi giáo. Ngày 6-2, hàng trăm người đã tụ tập trước đại sứ quán Đan Mạch tại Jakarta, Indonesia để phản đối vụ báo chí Đan Mạch đăng biếm họa xúc phạm đức tiên tri Hồi giáo Mohammad.
Hơn 300 người thuộc đảng Công lý và Thịnh vượng hô vang khẩu hiệu “Tự do báo chí không có nghĩa là lăng mạ tôn giáo”, và đòi Chính phủ Đan Mạch phải xin lỗi. Một trong những người đứng đầu đoàn biểu tình nói: “Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu chống lại bất cứ ai xúc phạm tới thánh Allah”.
|
Biểu tình đốt sứ quán Đan Mạch tại Beirut, Lebanon. |
Tuy nhiên, cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa. Tại tỉnh Bandung, ước tính có 1.500 người thuộc nhiều tổ chức Hồi giáo tham gia biểu tình yêu cầu Chính phủ Indonesia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đan Mạch. Trước đó, Tổng thống Indonesia Bambang Yudhoyono đã lên án các bức biếm họa đăng trên các tờ báo châu Âu.
Tuy nhiên, ông cũng đã chấp nhận lời xin lỗi của Thủ tướng Đan Mạch Fogh Rasmussen và ban biên tập tờ Jyllands-Posten (tờ báo đầu tiên đăng loạt biếm họa đức tiên tri Mohammad), đồng thời kêu gọi người dân bình tĩnh.
Tại thủ phủ Srinaga của tỉnh Kashmir, Aán Độ, một cuộc đình công để phản đối báo chí châu Âu đã làm tê liệt nhiều hoạt động tại đây. Những người Hồi giáo tại đây cho biết họ có thể tha thứ mọi điều nhưng không thể tha thứ cho những ai xúc phạm đức tiên tri Mohammad.
Bộ trưởng Nội vụ Lebanon, ông Hassan Sabeh đã phải từ chức sau khi những người biểu tình đốt cháy Đại sứ quán Đan Mạch tại Beirut ngày 5-2. Cảnh sát Lebanon cũng đã bắt giữ 200 người tham gia vụ bạo động, trong đó có 20 người Syria.
Tại Afghanistan, 3.000 người xuống đường lên án báo chí châu Âu đã đụng độ với cảnh sát, làm 4 người chết, 19 người bị thương. Tại Thái Lan 300 người Hồi giáo biểu tình trước Đại sứ quán Đan Mạch ở Bangkok. Các nhóm nổi dậy tại Iraq thì đưa ra thông điệp kêu gọi tấn công vào quân đội Đan Mạch (hiện có khoảng 500 lính tại Iraq).
Ngoài ra, các cuộc biểu tình chống báo chí phương Tây còn diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Pakistan, Bangladesh… Tiếp theo Syria, Saudi Arabia và Libya, Iran cũng đã rút đại sứ tại Đan Mạch về nước.
Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan ra tuyên bố lên án các vụ bạo động. Ông cho rằng thế giới Hồi giáo không thể dùng bạo động để chứng minh cho sự giận dữ của mình, nhất là đối với những người không liên quan đến việc xuất bản các bức biếm họa nói trên.
Trước tình hình bạo động chống Đan Mạch gia tăng ở nhiều nước Hồi giáo, Đan Mạch đã kêu gọi công dân nước này rời khỏi Lebanon và Syria và tránh đến 14 nước gồm Afghanistan, Algeria, Bahrain, Ai Cập, Iran, Jordan, Libya, Morocco, Oman, Pakistan, Sudan, Tunisia, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và Qatar.
V.M (Theo CNA, AFP, AP, BBC)
Các tin, bài viết khác
-
Nghề hái ra tiền của các cựu tổng thống Mỹ
-
Mỹ ban hành quy định tạm thời về giao dịch công nghệ
-
Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản tăng
-
Động đất tại Indonesia: Ít nhất 35 người thiệt mạng
-
Israel thừa USD
-
Rủi ro khi loại đồng USD
-
Nga xúc tiến thủ tục rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở
-
Tổng thống Donald Trump khó bị luận tội
-
Thành công đến từ tự chủ
-
Chọn thư giãn với sách