Làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản

Đã và đang có một làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam, thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Đây là nhận định chung của các diễn giả tại diễn đàn M&A năm 2012 tổ chức tại TPHCM ngày 7-6, với sự tham gia của 500 đại biểu.

Đã và đang có một làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam, thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Đây là nhận định chung của các diễn giả tại diễn đàn M&A năm 2012 tổ chức tại TPHCM ngày 7-6, với sự tham gia của 500 đại biểu.
 
Theo số liệu từ diễn đàn, năm 2010 cả nước có 345 thương vụ M&A với giá trị đạt 1,7 tỷ USD; năm 2011 số lượng và giá trị giao dịch lập kỷ lục mới với hơn 400 thương vụ, trị giá 4,7 tỷ USD. Về giá trị, các thương vụ lớn đều liên quan đến yếu tố nước ngoài chiếm tới 66% tổng giá trị các giao dịch M&A.

Trong đó, Nhật Bản dẫn đầu các quốc gia có DN thực hiện M&A vào Việt Nam, xét cả về số lượng và giá trị trong 3 tháng đầu năm 2012 với 19 thương vụ, giá trị 596 triệu USD. Các thương vụ nổi tiếng là Ngân hàng Mizuho mua lại 15% cổ phần của Vietcombank, trị giá 560 triệu USD; Công ty Unicham mua 95% cổ phần của Diana…

Tại sao DN Nhật chọn phương án M&A? Theo các chuyên gia, khi thực hiện phương án mua lại một phần DN, nhà đầu tư Nhật Bản sẽ rút ngắn được thời gian chuẩn bị đầu tư. Chi phí đầu tư có thể giảm đến 20% trong bối cảnh hiện nay.

Ông Yutaka Abe, Ngân hàng Mizuho Nhật Bản, thành viên HĐQT Vietcombank nhìn nhận, muốn đầu tư sang nước khác thì nên tìm đến các đối tác địa phương vì họ đã có sẵn nguồn lực, khách hàng. Đây là đầu tư xuyên biên giới nên việc hợp tác trở thành đối tác chiến lược, liên doanh với công ty tại chỗ rất phù hợp. Các đối tác sẽ giúp DN Nhật Bản phân phối, tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam và ngược lại Việt Nam cũng sẽ là nơi sản xuất để cung ứng hàng hóa cho thị trường Nhật.
 
Tiềm năng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam thời gian tới rất lớn. Xu hướng này được một số chuyên gia Nhật dự báo từ nhiều năm trước và đến thời điểm này biểu hiện khá rõ nét, qua nhiều cách đầu tư, nhiều lĩnh vực khác nhau như bán lẻ, bất động sản, dịch vụ, công nghệ thông tin, tiêu dùng nội địa...

Để khơi thông tốt dòng vốn đầu tư này, theo các chuyên gia, Việt Nam cần tập trung các hoạt động thu hút đầu tư một cách bài bản và phối hợp chặt chẽ, thống nhất hơn giữa các các địa phương để giữ chân các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư khác nói chung.

Mặt khác, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh về môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực nhằm cung ứng tốt hơn cho nhà đầu tư.

Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu vốn thì M&A chính là kênh quan trọng giúp các DN thu hút vốn, qua đó học hỏi cung cách quản lý chuyên nghiệp từ các đối tác Nhật Bản.

 4 tháng đầu năm 2012, FDI của Nhật Bản vào Việt Nam dẫn đầu so với các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp phép mới vào Việt Nam với hơn 2,36 tỷ USD, chiếm 76% tổng vốn đăng ký và cấp mới từ đầu năm đến nay.

 

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục