Làn sóng đầu tư ngoại chảy mạnh vào Việt Nam

4 tháng đầu năm 2021, các dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn chảy mạnh đổ vào Việt Nam với tổng vốn đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là tín hiệu tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh cả nước chung tay phòng chống dịch Covid-19.
Sản xuất IC bán dẫn tại Công ty MTEX (Nhật Bản) trong KCX Tân Thuận, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất IC bán dẫn tại Công ty MTEX (Nhật Bản) trong KCX Tân Thuận, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Môi trường đầu tư được cải thiện

Lý giải về vấn đề trên, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, có đến 85,1% số doanh nghiệp (DN) được khảo sát đánh giá xu hướng hoạt động sản xuất kinh doanh quý 2-2021 sẽ tốt lên và ổn định. Trong đó, 51% DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên và 34,1% DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Chỉ có 14,9% DN lo lắng tình hình sẽ khó khăn hơn so với quý 1-2021. Khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài là khu vực có đánh giá hết sức lạc quan với 86,2% số DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 2-2021 tốt hơn và giữ ổn định so với quý 1-2021. 

Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, đơn hàng tại các DN đã tăng mạnh. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Cát Thái, cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty gần như làm việc không ngưng nghỉ ngày nào kể cả lễ, tết. 1.600 công nhân của công ty đã phải duy trì sản xuất 3 ca/ngày để đáp ứng kịp thời đơn hàng xuất khẩu của công ty.

Nhìn rộng ra toàn thị trường, so với cuối năm 2020, trong quý 1-2021, có 27,8% DN có đơn đặt hàng cao hơn, 41,7% DN đơn hàng ổn định và 30,5% DN đơn hàng giảm. Nhìn nhận về xu hướng trong quý 2, có 47,5% DN dự kiến có đơn hàng tăng hơn so với quý 1-2021, 39,1% DN đơn hàng ổn định và chỉ 13,4% DN đơn hàng giảm. Riêng với đơn hàng xuất khẩu, quý 2-2021 có 37,5% DN dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới, 47,5% DN dự kiến ổn định và 15% DN dự kiến giảm.

Bộ Công thương cũng đánh giá, hoạt động xuất nhập khẩu đang diễn ra hết sức tích cực. Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu dẫn đầu của Việt Nam. Kế đến là Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN… 

Đại diện Bộ Công thương cho biết, bộ đã phối hợp với Viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam (VIDEM), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) thiết lập và đưa vào hoạt động sàn thương mại điện tử doanh nghiệp Việt Nam - EU (Vefta). Nền tảng này sẽ giúp các DN Việt Nam, EU, cũng như các đối tác quốc tế khác có thể dễ dàng kết nối và thực hiện các hoạt động thương mại. Sàn đồng thời là cổng giúp xây dựng một hệ sinh thái số hoàn thiện thông qua các giải pháp số giúp DN thực hiện các hoạt động kết nối, thương mại thuận tiện trên một nền tảng duy nhất (thanh toán số, logistics, hóa đơn điện tử, chữ ký số...). Việc đưa vào sàn thương mại điện tử này còn giúp giải quyết tình trạng gián đoạn giao thương do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. 

Làn sóng đầu tư ngoại chảy mạnh vào Việt Nam ảnh 1 Sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác tại Công ty MTEX (Nhật Bản) trong KCX Tân Thuận, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tăng tốc

Những diễn biến thuận lợi trên thị trường cộng với việc khống chế thành công dịch bệnh đã tạo những động lực thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Gần đây nhất vào ngày 11-4, Tập đoàn Kumho Tire (Hàn Quốc), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lốp ô tô đã công bố đầu tư thêm 300 triệu USD vào nhà máy sản xuất vỏ lốp ô tô ở Việt Nam. Trước đó, hàng loạt “ông lớn” như Samsung, Intel, CJ, SCG, Panasonic… đã nhanh chóng mở rộng sự hiện diện của các nhà máy sản xuất tại Việt Nam. 

Trong cuộc họp công bố về tình hình đầu tư của DN Nhật Bản tại Việt Nam, Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (Jetro) cũng khẳng định, các DN Nhật Bản đang đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam trong đó lĩnh vực thu hút tiềm năng nhất là chế biến chế tạo, lương thực thực phẩm.

Theo ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Jetro tại TPHCM, số DN có mong muốn mở rộng thị phần tiêu thụ hàng hóa tại Việt Nam tăng mạnh. Hiện Việt Nam được xếp tốp 10 thị trường tiêu thụ trọng yếu của hàng hóa Nhật Bản. Minh chứng rõ nhất, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản và thực phẩm của Nhật Bản vào thị trường Việt Nam đã tăng hơn 17% so với năm 2019. 

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Tập đoàn đa ngành Sojitz (Nhật Bản) cho biết, tập đoàn này vừa đạt được thỏa thuận thành lập liên doanh với Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) do  Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) nắm phần vốn chi phối với vốn đầu tư ban đầu là 2 triệu USD. Liên doanh này sẽ nhập khẩu, chế biến và bán các sản phẩm thịt bò ở Việt Nam. Cũng theo Sojitz, hiện nhu cầu tiêu thụ thịt bò tại thị trường Việt Nam là 500.000 tấn/năm và dự kiến còn tăng mạnh bởi thu nhập bình quân đầu người đang tăng nhanh. 

Ở chiều ngược lại, nhiều DN trong nước cũng đã gia tăng quy mô sản xuất nhằm bắt nhịp với xu hướng dịch chuyển đầu tư của các DN có vốn đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh, cho biết, công ty vừa đầu tư 186 tỷ đồng để xây dựng thêm Nhà máy cơ khí chính xác Duy Khanh để có thể tham gia cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI.

Riêng trong ngành hàng thực phẩm chế biến, Vinamilk đã nhanh chóng mở rộng quy mô đầu tư hệ thống trang trại bò sữa nhằm tăng nguồn nguyên liệu sữa cho sản xuất. Tính đến nay, Vinamilk đã xuất khẩu sản phẩm đến 56 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng kim ngạch đạt hơn 2,4 tỷ USD. Quý 1-2021, doanh thu xuất khẩu của Vinamilk đạt mức tăng trưởng hơn 8% so với cùng kỳ.

Nhìn nhận về tình hình kinh tế trong thời gian tới, nhiều DN cho rằng, môi trường kinh tế tại Việt Nam đang rất hấp dẫn nhà đầu tư ngoại. Làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài sẽ còn tăng mạnh thời gian tới. Tuy nhiên, các bộ ngành liên quan cần chọn lọc theo hướng giảm thu hút những ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ mà DN trong nước đã chủ động cung ứng được cho thị trường và đang hoạt động ổn định. Điều này giúp giảm sức ép cạnh tranh cho DN nội không chỉ ở thị trường nội địa mà còn cả thị trường xuất khẩu.

Với DN trong nước, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 52/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Dự kiến tổng số tiền được hoãn, giãn nộp thuế lần này gần 115.000 tỷ đồng. Đây là quyết định đúng đắn của Chính phủ. Tuy nhiên, bên cạnh động thái này, Chính phủ nên có biện pháp hậu kiểm và xử lý nghiêm các tổ chức, cơ quan chức năng thực hiện chính sách hỗ trợ DN nhưng làm chậm trễ. Một con số không vui là từ đầu năm đến nay, có hơn 40.000 DN trong nước đã phải rời bỏ thị trường. 

Tin cùng chuyên mục