Lan tỏa nông nghiệp công nghệ cao

Trước sức ép về chất lượng nông sản xuất khẩu và biến đổi khí hậu, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến để nâng cao chuỗi giá trị nông sản là một trong những xu hướng tất yếu hiện nay.
Lan tỏa nông nghiệp công nghệ cao

Trước sức ép về chất lượng nông sản xuất khẩu và biến đổi khí hậu, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến để nâng cao chuỗi giá trị nông sản là một trong những xu hướng tất yếu hiện nay.

Từ năm 2004, TPHCM đã đầu tư xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) tại huyện Củ Chi. Đến nay, hướng đi này có sức lan tỏa ra các tỉnh, thành trong vùng.

Doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu công nghệ trồng rau an toàn trong nhà lưới tại Khu NNCNC TPHCM.

Thành quả từ hướng đi đúng

Th.S Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Quản lý Khu NNCNC TPHCM, cho biết sau 10 năm xây dựng và 4 năm chính thức đi vào hoạt động, khu đã có những kết quả lớn, trong đó tập trung vào khâu nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giống cây trồng, vật nuôi. Đến nay, đơn vị đã hoàn thiện 5 mô hình trình diễn (rau ăn lá, dưa lưới, hoa lan, ớt, cây ăn trái) ở các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn. Các mô hình này bước đầu chứng minh được hiệu quả kinh tế, đạt chất lượng VietGap, Global Gap. Trong đó, sản phẩm dưa lưới, ớt sản xuất từ quy trình công nghệ này đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Cùng với việc chuyển giao giống, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển NNCNC cùng các nhà đầu tư đã trồng cây trong nhà màn, kỹ thuật trồng lan hồ điệp trong điều kiện khí hậu TPHCM cho các hộ nông dân và tổ chức, doanh nghiệp nông nghiệp của TPHCM cùng các tỉnh lân cận; đã nghiên cứu và chuyển giao thành công 124 đề tài về các phương pháp nhân giống, chuyển gen một số loại cây trồng và các chế phẩm sinh học. Các nhà đầu tư tại Khu NNCNC, từ năm 2010 đến nay, đã cung cấp cho thị trường 59,5 tấn hạt giống F1 chất lượng cao các loại, 8.097 tấn thành phẩm (nấm rơm, dưa leo, dưa lưới), 11.438 lít chế phẩm sinh học…

Có thể thấy, phát triển NNCNC đã được nhà nước quan tâm thể hiện qua các chủ trương chính sách lớn như Đề án Phát triển NNCNC đến năm 2020; Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC thuộc Chương trình quốc gia phát triển CNC đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 hình thành và phát triển gần 300 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC tại mỗi vùng sinh thái nông nghiệp và 3 - 5 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC tại mỗi tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm.

Ông Đinh Minh Hiệp cho rằng, nhờ ứng dụng KHCN, nên sản xuất tại các khu NNCNC của Israel đạt năng suất kỷ lục: năng suất cà chua đạt 250 - 300 tấn/ha, bưởi 100 - 150 tấn/ha, hoa cắt cành 1,5 triệu cành/ha… đã tạo ra giá trị sản lượng bình quân 40.000 - 50.000 USD/ha/năm, gấp 40 - 50 lần so với mô hình sản xuất trước đó. Chính vì vậy, sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng CNC và sự phát triển của các khu NNCNC đã đang trở thành hình mẫu nông nghiệp tri thức của thế kỷ XXI.

Hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm

Tại Hội nghị “Hợp tác các khu nông nghiệp ứng dụng CNC”, vừa diễn ra tại Khu NNCNC TPHCM, thông tin cho biết cả nước hiện có 29 khu NNCNC đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, hiện các khu đều gặp khó khăn do thiếu kinh phí và nhà đầu tư.

KS Nguyễn Tường Chu, Ban quản lý Khu NNCNC Phú Yên, cho biết, theo Luật CNC, các doanh nghiệp CNC sẽ nhận được nhiều hỗ trợ về lãi suất, ưu tiên vốn vay. Song trên thực tế, các chính sách này chưa được cụ thể hóa do chưa có hướng dẫn của Chính phủ và các bộ. Thậm chí, luật quy định doanh nghiệp NNCNC được hỗ trợ lãi suất ngân hàng nhưng Chính phủ chưa bố trí nguồn kinh phí để “trả” cho các ngân hàng thương mại. “Vì thế, thời gian qua, chưa có một kênh nào đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng CNC. Điều này đã hạn chế khả năng thu hút đầu tư từ phía các doanh nghiệp. Dẫn đến, dù đất đai còn trống nhưng doanh nghiệp cứ “lơ lửng” ở bên ngoài”, KS Chu nhìn nhận.

Trong khi đó, ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng ban Quản lý Khu NNCNC TPHCM, cho biết, nhiều nhà đầu tư các nước muốn tìm cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Không riêng nhà đầu tư nước ngoài mà rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp của TPHCM mong muốn phát triển các dự án đầu tư quy mô lớn. Nhưng hiện Khu NNCNC TPHCM không có sẵn quỹ đất với diện tích đất lớn để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Trong khi đó, các địa phương lân cận, quỹ đất còn rất lớn.

Vì vậy, mới đây Khu NNCNC TPHCM và ngành nông nghiệp các tỉnh Phú Yên, An Giang và Vĩnh Long đã ký kết thỏa thuận hợp tác thu hút đầu tư CNC vào lĩnh vực nông nghiệp tại các địa phương này. “Việc ký kết này giúp lan tỏa NNCNC đến các địa phương. Khu NNCNC TPHCM hiện tại có nhiều giống, kỹ thuật canh tác mới, hiệu quả. Cùng với đó là rất nhiều nhà đầu tư lớn. Thông qua việc ký kết này, TPHCM sẽ chuyển giao công nghệ, cũng như chia sẻ sự tham gia của các nhà đầu tư. Mục tiêu cuối cùng là tạo một chuỗi cung ứng nông sản sạch và chất lượng cho TPHCM”, ông Đinh Minh Hiệp lý giải.

Được biết, mới đây, TPHCM đã cho phép phát triển và mở rộng diện tích Khu NNCNC lên gần gấp 5 lần so với diện tích hiện tại. Theo đó, ngoài khu hiện hữu với diện tích hơn 88ha ở xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi tập trung cho trồng trọt đã được khai thác hết, TP sẽ phát triển thêm 3 khu khác, gồm khu 200ha bên cạnh khu hiện hữu này cũng tập trung cho hoạt động trồng trọt, nuôi cá cảnh nước ngọt, cây thủy sinh. Hai khu còn lại sẽ được phát triển ở địa điểm khác của thành phố, trong đó một ở xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) có diện tích quy hoạch 90ha sẽ tập trung phục vụ cho hoạt động chuyên ngành thủy sản như giống thủy sản và các chế phẩm sinh học sử dụng trong môi trường nuôi trồng thủy sản. Khu còn lại có diện tích 100ha ở huyện Bình Chánh tập trung sản xuất và lai tạo các giống bò sữa, bò thịt, gà, heo và các mô hình chăn nuôi tiên tiến, an toàn sinh học.

Định hướng này tiếp tục khẳng định quyết tâm của TPHCM trong việc phát triển NNCNC gắn liền với nông nghiệp đô thị. Và việc hình thành các vùng chuyên canh kể trên sẽ tạo sức lan tỏa NNCNC đến từng nông dân trên địa bàn TPHCM.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục