Lan tỏa thông tin tích cực trên mạng xã hội

Trong bài viết về truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam được báo chí trong nước đăng tải rộng rãi mới đây, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đã nêu thực trạng: “Một bộ phận người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam thường có xu hướng quan tâm, thích (like) và chia sẻ (share) thông tin giật gân, tiêu cực, trái chiều hơn thông tin tích cực, một cách cố tình hoặc vô ý thức, bất chấp các hậu quả”. Trong số những người này, liệu có bao nhiêu là cán bộ, đảng viên?

Thông tin trên mạng xã hội vô cùng phong phú, bản thân người sử dụng mạng xã hội, với hiểu biết, nhận thức của mình để tự thẩm định thông tin nào là đúng, thông tin nào là bịa đặt, xuyên tạc... Vậy nhưng lại có một số đảng viên sử dụng mạng xã hội đưa ý kiến, chia sẻ những bài viết chưa được kiểm chứng, hoặc có dụng ý cá nhân không lành mạnh.

Trên thực tế, có trường hợp vì thiếu thông tin, chộp được một số thông tin, ý kiến nào đó rồi suy diễn một cách máy móc, thậm chí phi lý, hoặc có dụng ý xấu, từ đó thực hiện việc công kích đến tổ chức, cá nhân một cách vô tội vạ. Có trường hợp tỏ ra mình “cấp tiến”, “độc lập suy nghĩ” hoặc “có đầu óc phản biện”, thường xuyên chia sẻ các bài viết về các vụ việc tiêu cực hoặc các status của người khác vốn có dụng ý xấu; hoặc có khi đăng một thông tin không tích cực nào đó, lại gắn với những câu hỏi, đại loại như “việc này nên giải thích thế nào?”, “vụ này có thật không?”, “tôi có nên tin điều này không?”… Có trường hợp thể hiện sự thiếu trách nhiệm khi đăng lại thông tin chưa được kiểm chứng, rồi để người khác vào bình luận những ý kiến sai trái, mang thái độ hằn học, xuyên tạc, suy diễn sai lệch. Đáng tiếc là những chuyện như vậy không phải là cá biệt.

Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm chủ động, tích cực làm công tác tư tưởng cho mình và cho nhiều người khác, trong đó có quần chúng nhân dân, do vậy, không được phép và không nên có những cách thể hiện trên mạng xã hội như vừa nêu. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải gương mẫu khi tham gia mạng xã hội, phải là người dùng mạng xã hội có trách nhiệm, thể hiện qua việc tuân thủ các quy định pháp luật khi sử dụng mạng xã hội, như tôn trọng quyền nhân thân, hình ảnh của người khác; thể hiện tính văn hóa, văn minh trên mạng xã hội; hạn chế đưa đậm đặc các thông tin tiêu cực mang tính bôi đen xã hội hoặc thể hiện sự mất lòng tin vào những điều tươi sáng của xã hội; có thể đưa các ý kiến cá nhân, nhưng phải có căn cứ phù hợp và dựa trên sự xác tín thực sự, không nên dựa vào các thông tin trôi nổi, thiếu kiểm chứng trên mạng; không vô tư, tùy tiện like, share các thông tin, các status, các trang của người khác nếu bản thân không nhìn nhận tính đúng đắn và tích cực của nó, để tránh phát tán thông tin, ý kiến có thể sai lầm đến với nhiều người khác.

Đặc biệt, người tham gia mạng xã hội tích cực và có trách nhiệm cần quan tâm đến một giải pháp nữa mà trong bài viết đồng chí Võ Văn Thưởng đã nêu. Đó là “mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia mạng xã hội phải giữ vai trò là lực lượng nòng cốt đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực và xem đây là giải pháp thường xuyên, lâu dài”. Trong bối cảnh bùng nổ truyền thông xã hội hiện nay, khẩu hiệu quen thuộc “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu” càng có ý nghĩa khi chúng ta thực hiện ngay trên mạng xã hội, để sự cộng hưởng từ những cái đẹp đó có tác động, có sức lan tỏa nhanh nhất đến đông đảo công chúng.

Tin cùng chuyên mục