Làng biển Quảng Bình sau tết nhộn nhịp sửa soạn làm ăn vụ cá mới. Nghi thức cúng biển được xướng lên bay bổng với những câu hò khoan dìu dặt bên chân sóng. Bước chân trên cát, được đắm mình trong không gian dân ca mặn mòi mùa biển, thấy khí chất làng bên bờ biển Đông cường tráng, mạnh mẽ của mùa xuân tươi.
Cúc cung thần linh
Bên chân sóng rì rào của xã biển Cảnh Dương, hơn 10.000 ngư dân hướng về đền thờ Hiển Linh Ngư khói hương cầu khấn thần biển, nơi đặt 2 bộ xương cá voi khổng lồ mà tương truyền, người dân được biển Đông báo mộng từ hai trăm năm trước là cá ông, cá bà vào táng trợ ngư dân. Cứ mỗi mùa đánh bắt cá khơi năm mới, ngư dân nào ở Cảnh Dương (Quảng Trạch) và vùng phụ cận dưới núi Hoành Sơn đều vượt sông Loan, băng đường núi Phượng tìm đến Hiển Linh Ngư cúc cung hương khói, cúng mật tận tâm, mong một mùa đánh bắt bội thu trước sóng cả ba đào.
Chân dũi trên đồi cát, đi về phía biển, tìm những lão ngư còn biết tích xưa chuyện cũ hai bộ xương cá voi trong Hiển Linh Ngư, được biết, người làng còn cất giữ Trương Trung Tây gia phả ghi lại cảnh tiếc thương hai cá ông, cá bà vào táng trước biển làng. Gia phả dòng họ Trương của làng còn điển ghi: vào đời Gia Long thứ 9 (1809-Kỷ Tỵ) một bà cá voi nặng hơn trăm tấn, dạt vào biển Cảnh Dương, người dân cúng quải linh đình, gọi tên cá Bà. Vào năm Duy Tân 16 (Đinh Mùi-1907), một cá ông voi cũng dạt vào Cảnh Dương, người dân gọi tên là cá Ông, hương khói vọng trọng. Cả hai sau đó được rước vào Hiển Linh Ngư, cung kính miếu táng đến hôm nay.
Cách Hiển Linh Ngư mấy trăm bước chân, có một khu mộ táng dành cho cá cô, cá cậu vào chầu cá ông, cá bà. Khu địa táng này có chừng một trăm ngôi mộ dành riêng cho các loài cá vài tấn chết trước Hiển Linh Ngư. Giải thích của ngư dân về tâm linh rằng, những cá cô, cá cậu vào đó không phải vì sức cùng lực kiệt mà tất cả đều vào để hầu cận hiển linh. Chính vì thế tương truyền, những cá cô cá cậu đưa đi chôn, không hề có mùi tanh của chết chóc, ruồi nhặng cũng tránh xa, khi quấn vải, hai bên sườn cá thường xuất hiện những vân đẹp như chữ hán cổ. Năm 2009, một con cá voi nhỏ 3 tấn dạt vào bờ, người làng cũng thấy bốn chữ hán hai bên sườn, người già của làng diễn nôm là “quốc thái dân an”.
Với biển, người Cảnh Dương vô cùng biết ơn bởi biển cho họ cuộc trường tồn phát triển mấy trăm năm mở đất lập nghiệp. Chính vì thế, cách thờ tôn cá thành thần càng cho họ tự tin vươn khơi trong tín ngưỡng tô tem.
Câu hát vào mùa
Cảnh Dương có cuộc sống mạnh mẽ về văn hóa khí cốt biển truyền đời hơn nửa thế kỷ khai đất. Mỗi mùa cầu ngư đầu xuân, dân ngư phu vẫn hát: “Nay mừng mở hội cầu Xuân/ Trời sinh Thánh thượng Duy Tân trị vì/ Trời yên, biển lặng bốn bề/ Đức Ông thượng thọ nước về cõi tiên/ Lênh đênh mặt nước bao miền/ Tìm nơi đất tốt, dân hiền ghé vô/ Xuân sang lai láng biển hồ/ Ngư dân trông thấy nước vô lạch nhà/ Tưng bừng nổi trống, kết hoa/ Nghe tin làng nước gần xa đón mừng”.
Chân bước đường cát trắng mịn vỗ bờ biển Đông, rời đèo Ngang, vào với Nhân Trạch (Bố Trạch), một làng biển đẫm tình câu hò đưa linh, chèo cạn. Dáng dấp làng ngày xuân rộn ràng trẩy hội hát hò. Hội chơi trước biển ở làng lắng động ở vòm ngực: “Non Nam phượng múa/Núi Bắc rồng chầu/Đất làng con hiếu võ cao sâu/Ngoài hương án ông cao vòi vọi/Tiếng ông linh vang dồn tám cõi/Sắc tứ phong sáng chói ngàn thu/Nay vui mừng vạn mở ca cù/Con nhi nữ chèo ba mở mái”. Đấy là lời xưng mượt mà của đoạn chèo cạn nghe được bên sóng biển đất quê.
Mảnh làng văn hóa vào tháng giêng này còn xướng lên giọng hò đưa linh của ngư phủ trước biển rằng: “Biển đông đài cát đại ngàn biển đông/Cúi đầu trăm lạy Đức ông/Cầu cho thất ứng, thất thông nhiều bề/Anh linh hiển hách nhiều bề/…Lý Nhân Nam vui thú hảo hề/Đức bà đẹp ý ghé vô lạch nhà…”.
Điệu linh vút bay, lúc vào cao trào, những nhịp phách, tiếng trống, nhịp chiêng phối âm rộn ràng, làm bài ca múa quạt của phường chèo cạn quẫy vui như tiếng cá đêm trăng. Điệu hát tiếp tục ngơi ca quê hương sông núi hiền từ: “Nhìn xem phong cảnh làng ta/Trên sơn, dưới thủy đậm đà ái ân/Dân làng mở hội cầu Thần/Ông bà ứng cảm muôn phần vận may/Hải hà trống mở, cờ bay/Bốn bề nam bắc, đông tây rộn ràng/Thiên văn, địa lý hai hàng/Lên bành cưỡi ngựa, đại quan xuất hành/Cầu cho làng vạn hai gành/Thiên hạ đại cát dân an thái bình/Ngư thần an ngự trước lăng/Đặt bàn hương án kiệu xanh lộng vàng…”.
Mùa tết trên cát, người làng biển hò khoan mạnh mẽ như tiếng mái chèo đẩy sóng: “Hò… là… hô… là… là… hô… hô… là…/Là… hò… la… hô… là… la… hô… là…/Đưa mái chèo thuyền nhanh băng ra khơi/Lướt sóng, đẩy thuyền ta đi chơi vơi/Hò… là… hô… là…/ Nắng tỏa về phương trời mọc/Biển rộng bao la/Như ôm ấp những xóm làng/Kìa đàn cá lượn ngoài khơi/Cánh buồm vươn trong nắng mới/Lưới ta tung ra no ấm cả đời này/Lưới ta tung ra cho biển lặng, trời yên/Dô khoan/Lưới ta tung ra/Hò khoan/Chặn đầu cá ta đánh”… Đây là điệu vui của mùa tết mỗi năm từ làng biển xứ cát.
Khai tâm chia biển
Người làng biển sống với nhau thân mật, hóm hỉnh với thường nhật kiếm tìm cái ăn trên biển. Vậy nên ở làng biển Thanh Bình, có tục chia biển ngay từ bữa khơi đầu năm. Làng đánh lộng, mỗi xóm chừng chục nóc nhà huy động ngư phu ra lộng khi khí trời sang xuân mặn. Tảng sáng của một đêm mùa xuân, lão ngư vác lưới, tay lưới mang theo những rượu, nếp cúng từ nhà. Họ trải mẹt lá trên cát, bày biện những vật cúng từ mười nóc nhà, cầu khấn thần biển mùa năm mới làm ăn được tốt và cho thiêng sức đoàn kết. Trong tâm thức cha ông ngư phu truyền lại, cầu làm ăn tốt không phải để tư riêng đủ đầy mà mong điều đó đến để còn chia lộc biển cho gia đình neo đơn.
Những ngư dân già nhất kể rằng, làng cát xưa nghèo không có thứ gì dồi dào bằng tình cảm chòm xóm. Những mẻ cá đưa lên từ sức vóc trai tráng của làng thường chia quanh xóm, quanh làng, còn dư nhiều sẽ đi đổi gạo, gạo đưa về cũng chia cho những lão ngư già bị mù, hay những hòn vọng phu mất chồng trước sóng cả bão tố. Người làng nói đó là khai tâm của tình cảm chia biển. Của rường cột linh hồn miền quê thường chống chọi với các thiên tai gió mưa.
Nay, chuyến khơi đầu năm ở làng lộng nhỏ bé này vẫn giữ nguyên sự thống thiết ân tình đó. Mớ cá đánh lên có thể ít đi, nhưng bể đời thương yêu vẫn dạt dào cưu mang nhau về linh hồn khai tâm khăng khít của cội rể làng biển. Một ngư dân từng nói trước biển làng mùa xuân: “Mỗi dân làng như một hạt cát. Mỗi hạt cát tách ra bị gió cuốn đi nhưng đứng sát nhau thành đụn cát, thành núi cát là che được cho nhau trước gió bão phong ba”.
Mùa xuân làng biển, gia tài văn hóa cất giữ trong vỉa tầng hồn cát được xướng lên để bảo ban con cháu giữ lấy hồn cốt cha ông cho mạch nguồn yêu đất, yêu làng cứ thế được kể cho đàn con cháu mỗi lứa sinh thêm cho cuộc đời bền bỉ dựng xây là bài học không chỉ của người miệt biển. Đó là gia tài trân quý mà cha ông ban tặng.
Bài, ảnh: MINH PHONG