Làng biển thanh bình

Mỹ Thủy là ngôi làng ven biển hiền hòa thuộc xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Mảnh đất này được biết đến với những trang sử hào hùng, ghi dấu những chiến công hiển hách. Những người dân vùng biển nơi đây luôn vững chắc tay chèo bám biển, bám làng để chiến đấu bảo vệ quê hương cũng như vùng biển Tổ quốc. Biết bao chiến hạm của kẻ thù đã bị chôn vùi nơi miền đất cát này, để hôm nay, làng biển Mỹ Thủy đã hồi sinh trên đống đổ nát hoang tàn của chiến tranh và đang từng bước khởi sắc, thay da đổi thịt nhờ các dự án lớn, những mái ngói đỏ tươi, những con tàu rẽ sóng ra khơi trong bình yên, biển lặng.
Làng biển thanh bình

Mỹ Thủy là ngôi làng ven biển hiền hòa thuộc xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Mảnh đất này được biết đến với những trang sử hào hùng, ghi dấu những chiến công hiển hách. Những người dân vùng biển nơi đây luôn vững chắc tay chèo bám biển, bám làng để chiến đấu bảo vệ quê hương cũng như vùng biển Tổ quốc. Biết bao chiến hạm của kẻ thù đã bị chôn vùi nơi miền đất cát này, để hôm nay, làng biển Mỹ Thủy đã hồi sinh trên đống đổ nát hoang tàn của chiến tranh và đang từng bước khởi sắc, thay da đổi thịt nhờ các dự án lớn, những mái ngói đỏ tươi, những con tàu rẽ sóng ra khơi trong bình yên, biển lặng.

Bến đợi

Làng biển Mỹ Thủy không có nhiều cảnh đẹp, nhưng sự ồn ào của chợ phiên buổi sáng, cảnh thuyền về tấp nập, hương vị của biển và những sân phơi cá trải rộng là những gì tôi bắt gặp và khám phá ở làng biển này. Hòa vào nhịp sống nơi đây, mỗi du khách đều có thể tận hưởng sâu sắc nhịp sống của vùng biển. Khi đêm về, những ánh đèn soi cá vẫn sổ dài trên mặt biển, mang đến vẻ đẹp long lanh, huyền ảo. Những con tàu lớn luôn tấp nập trên biển, những ngư dân luôn bận bịu với công việc của mình nhưng sẵn sàng hồ hởi chia sẻ những câu chuyện cần lao trong đời họ. Nghe họ cười và kể lại về cuộc đời nổi trôi nhưng vô cùng thú vị trên biển, bỗng thấy tình yêu họ dành cho mảnh đất này thêm sâu đậm. Chỉ thế thôi cũng giúp tôi cảm nhận được sự kỳ diệu của thiên nhiên, của con người sống và làm việc trên làng biển Mỹ Thủy.

Màn múa hát “Thiên hạ thái bình” ở làng Mỹ Thủy Ảnh: LÊ ĐỨC VIỆT

Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt hải sản gần bờ. Khoảng 3 giờ sáng, nhà ai cũng thức dậy. Họ đi từ sáng sớm đến chiều mới về, quăng quật với con nước gần bờ, tìm kiếm những đàn cá nhỏ bằng kinh nghiệm dân gian. Chẳng máy móc định vị hiện đại, họ hoàn toàn được truyền thụ bởi “túi khôn” của cha ông qua truyền khẩu. Đối với họ, mỗi chuyến ra khơi thường mang theo nhiều hy vọng. Và mỗi chuyến tàu về luôn có sự mong đợi của người thân. Do vậy, bến ghe không chỉ là bến đậu, mà còn là bến đợi người thân từ mênh mông sóng biển trở về.

Chiều trên biển Mỹ Thủy

Mẻ lưới ít hay nhiều với họ cũng bình thường trong cuộc mưu sinh vất vả.  Mớ cá, mớ tôm nhỏ nhoi mỗi ngày nhưng tích cóp từng tháng, từng năm đã mang lại cho cư dân xóm biển này cuộc sống ổn định hơn, nuôi bao con cái có chí vượt khó mà học thành tài.

Không chỉ là cuộc mưu sinh hàng ngày, nghề đi biển còn là tình cảm bền chặt của con người gắn liền với biển. Nhất là hiện nay tình hình trên biển Đông luôn biến động bởi sự tranh chấp phi lý, bất hợp pháp của Trung Quốc, nên việc vươn khơi bám biển của những ngư dân làng Mỹ Thủy càng góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Làng nghề

Nhắc đến làng biển Mỹ Thủy không thể không nhắc đến nghề truyền thống của cư dân ở đây. Đó là nghề sản xuất nước mắm đã hình thành cách đây khoảng 500 năm và nổi tiếng khắp vùng lâu nay. Từ quy mô nhỏ lẻ ban đầu, đến nay toàn làng Mỹ Thủy có 168/484 hộ tham gia nghề chế biến nước mắm. Nước mắm Mỹ Thủy được làm từ nguồn nguyên liệu cá me, cá duội, cá nục tươi kết hợp với nguồn nước, bí quyết chế biến, quy trình ủ chợp, nấu lọc… được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Hiện tại, bình quân mỗi hộ làm ra được khoảng 15 lít nước mắm/ngày. Những năm qua, nguồn thu mang lại từ nghề chế biến nước mắm ở Mỹ Thủy đã đóng góp quan trọng vào tổng thu của toàn xã. Nếu như năm 2009, làng Mỹ Thủy chỉ bán ra thị trường 240.000 lít nước mắm, mang lại doanh thu 7,2 tỷ đồng thì đến cuối năm 2013, số lượng nước mắm bán ra của làng đạt gần 500.000 lít, mang lại doanh thu trên 15 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ của nước mắm Mỹ Thủy hiện đã có mặt khắp cả nước, được khách hàng ngày càng ưa chuộng. Nhờ nguồn thu này mà đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, đồng thời góp phần xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội, cơ sở hạ tầng tại địa phương.

Mớ cá làng biển bãi ngang, giúp dân làng nuôi con ăn học thành tài

Năm 2011, Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ chế biến nước mắm Mỹ Thủy được thành lập với 17 thành viên. Đến năm 2013, hợp tác xã thu lãi hơn 100 triệu đồng. Nước mắm Mỹ Thủy đã dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và một khối lượng sản phẩm không nhỏ đã xuất khẩu ra nước ngoài. Chị Phan Thị Nguyên, người đã giữ gìn, phát triển được nghề gia truyền hơn 25 năm và đưa nước mắm Mỹ Thủy có mặt trên mọi miền đất nước, chia sẻ: “Thành quả ấy chính nhờ dân làng nơi đây tuân thủ và có sáng tạo mới trong quy trình làm nước mắm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng phụ gia độc hại… nên nước mắm làm có màu vàng óng ánh, mùi thơm đặc biệt, không thể lẫn lộn với các loại nước mắm ở vùng biển khác”.

Với nghề gia truyền đặc biệt đó, chiều 13-8-2014, dân làng Mỹ Thủy và chính quyền địa phương đã vui mừng đón nhận “Bằng công nhận làng nghề truyền thống nước mắm Mỹ Thủy” của UBND tỉnh Quảng Trị. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để làng nghề chế biến nước mắm Mỹ Thủy có điều kiện phát triển hơn nữa về quy mô theo hướng hàng hóa, thị trường và hoàn thành quá trình xây dựng thương hiệu bền vững.

Nếu như cách đây không lâu, làng biển Mỹ Thủy chỉ là một xóm nhỏ ven biển, cuộc sống  chật vật, khó khăn thì về Mỹ Thủy hôm nay, xóm biển đã có nhiều đổi thay. Mỹ Thủy giờ đây là một vùng đất giàu tiềm năng về kinh tế; đồng thời góp phần thể hiện quyết tâm bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 Bên cạnh phát triển kinh tế, làng biển Mỹ Thủy còn lưu giữ  nét văn hóa, nếp sinh hoạt độc đáo của cư dân vùng biển. Đó là điệu múa hát mà người Mỹ Thủy gọi nôm na là Thiên hạ thái bình, thứ tài sản không làng biển nào sở hữu. Điệu múa này chỉ được thực hiện trong những lễ lớn của làng, như: lễ nghinh sơn, nghinh thủy, hội làng, lễ cầu ngư hay lễ tưởng niệm vụ thảm sát ở Mỹ Thủy...

Điệu múa hát này có ý nghĩa nhân văn là cầu mong trời đất yên bình, vạn vật sinh sôi, đời đời chung sống thuận hòa trong vũ trụ này… Những màn múa đều diễn ra trong không khí nghiêm trang, mỗi gương mặt từ “lính” đến “cai” đều toát lên vẻ kiêu hùng, uy dũng; đủ sức xua đuổi tà ma, các thế lực vô hình, thế lực siêu nhiên hãm hại con người, vạn vật. “Điều đáng quý hơn cả là đến nay, những người tham gia điệu nhảy này vẫn giữ nguyên vẹn được hồn cốt của cha ông xưa truyền lại một cách đầy trách nhiệm và nhiệt huyết”, anh Đặng Xuân Thành, cán bộ văn hóa xã Hải An, ghi nhận.

THU THANH

Tin cùng chuyên mục