Làng biển trăn trở đổi nghề
Sau sự cố cá chết ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế do Formosa Hà Tĩnh gây ra, ngư dân cũng như chính quyền các địa phương đang tìm các biện pháp tối ưu nhằm có sinh kế trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, thách thức rất lớn là bao đời nay, ngư dân chỉ biết bám víu vào nghiệp biển.
Khó xuất khẩu lao động
Ông Hoàng Đình Phi, Trưởng thôn Xuân Hòa (Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình), nói: “Nghe Chính phủ ưu tiên giúp ngư dân đi xuất khẩu lao động thì một số người dân ở làng biển này muốn được ưu tiên vì ở đây đã có khoảng 400 con em đi lao động ngư nghiệp ở Hàn Quốc, Đài Loan... và nguồn tiền gửi về đóng tàu lớn để đi khơi xa, xây nhà kiên cố đã giúp làng biển bãi ngang ngày mỗi khá lên. Nhưng điều kiện xuất khẩu lao động không đơn giản vì phải vay vốn ban đầu lớn, sức khỏe đảm bảo, nên chỉ cần khám sức khỏe không đáp ứng là bao nhiêu dự định không thể thực hiện được “.
Mô hình nuôi cá nước ngọt ở Ngư Thủy Nam tăng mạnh sau sự cố cá chết Ảnh: MINH Phong
Trong khi đó ở xã biển Cảnh Dương (Quảng Trạch), Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Trung Thành cho biết: “Cảnh Dương độc canh ngư nghiệp, chủ yếu đánh bắt gần bờ. Việc xuất khẩu lao động thật khó, thanh niên trai tráng, có chút ngoại ngữ, chuyên môn mới được nhận; còn những lão ngư trung niên rất khó chuyển đổi, hơn nữa chỉ tiêu xuất khẩu lao động thường không nhiều nên cửa đi khá hẹp”.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thừa Thiên - Huế, đánh giá: “Xuất khẩu lao động khó vì phần lớn ngư dân đã trên 40 tuổi, trong khi điều kiện xuất khẩu lao động là phải được trang bị về tay nghề chuyên môn, ngoại ngữ, tác phong làm việc, tuổi đời thường từ 28 - 35… nên khó đáp ứng”. Hàng loạt lãnh đạo cùng ngư dân các địa phương vùng ven biển 4 tỉnh miền Trung kể trên cũng có những băn khoăn tương tự.
Mưu sinh trước mắt và lâu dài
Ở vùng Ngư Thủy Nam (Lệ Thủy, Quảng Bình), việc Formosa xả thải đã gây kiệt quệ đối với ngư dân đánh bắt gần bờ. Chị Nguyễn Thị Lớn ở thôn Liêm Bắc cho biết: “Cá chết, cơ sở chế biến cá khô của tôi có 30 lao động phải nghỉ việc. Để số anh chị em có việc làm, tôi cho cải tạo ngay một hồ trên cát rộng 2.000m2 để nuôi cá lóc, chăn thả 50 con heo thịt, đào thêm hồ nuôi cá nước ngọt để mưu sinh trước đã”. Hiện số hồ cá nước ngọt ở Ngư Thủy Nam từ 343 đã lên 405 hồ, tăng 62 hồ so với trước khi cá biển chết.
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, đã trình UBND tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí mua cá giống và 50% kinh phí mua tôm giống cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trên 70%, nhưng tối đa không quá 60 triệu đồng/ha đối với ao nuôi trên cát; 40 triệu đồng/ha đối với ao nuôi trên đất thâm canh; 25 triệu đồng/ha đối với nuôi bán thâm canh; 15 triệu đồng/ha đối với ao nuôi quảng canh... Về lâu dài Quảng Trị chuyển đổi 50% tàu thuyền khai thác công suất từ dưới 20CV đến dưới 90CV lên công suất trên 90CV và đóng mới 100 tàu cá công suất 90CV trở lên để khai thác trung và xa bờ; từng bước chuyển đổi nghề khai thác cá tầng đáy sang khai thác ở vùng biển xa bờ.
Ông Nguyễn Trọng Chiêm (Triệu Vân, Triệu Phong, Quảng Trị) có 40 năm bám biển; sau khi cá chết, gia đình choáng váng thời gian đầu; sau định thần lại, được chính quyền địa phương hướng dẫn và tạo điệu kiện, gia đình ông đã xây dựng trại nuôi heo giống với đàn heo nái gần 30 con và hơn 50 con gà thả vườn. Ông Chiêm nói: “Đó là bước đầu chuyển đổi, sau này biển an toàn tôi tiếp tục đưa thuyền ra khơi gần vì đó là nghề chính”.
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, mặc dù việc chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế cho người dân các xã ven biển còn nhiều khó khăn. Để tìm cách hỗ trợ, trước mắt địa phương sẽ cử 16 kỹ sư nông nghiệp về 16 xã và thị trấn bị thiệt hại để nghiên cứu cụ thể về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu… nhằm chọn cây, con nuôi trồng phù hợp với từng địa phương. Nếu kỹ sư làm tốt sẽ được tăng lương trước thời hạn. Địa phương nào làm tốt sẽ tiếp tục hỗ trợ để mở rộng sản xuất.
Tại Quảng Bình, ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Làng nào, xã nào đồng ý với chính sách xuất khẩu lao động thì tạo điều kiện tối đa, địa phương nào xem biển là độc canh thì kiến nghị Chính phủ công bố vùng biển an toàn và thủy hải sản an toàn nhằm giúp tối đa cho ngư dân bám biển. Ngư dân muốn chuyển đổi đánh bắt gần bờ sang xa bờ sẽ được kiến nghị vay tín dụng lãi suất ưu đãi. Việc đào tạo dạy nghề, chuyển sang trồng trọt chăn nuôi cũng bám sát ý kiến ngư dân để có chính sách triển khai sát sườn sinh kế của bà con nhằm làm cho làng biển vượt qua khó khăn và phát triển bền vững hơn”.
Minh Phong-Văn Thắng