Nhằm tri ân những người đã hy sinh cuộc đời cho đất nước, UBND TPHCM đã cấp cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin 49.000m² đất tại ấp 6 xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn để xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học, nuôi dưỡng, điều trị, phẫu thuật, chỉnh hình, phục hồi chức năng, dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin (gọi tắt là Làng Cam). Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM về công trình ý nghĩa này.
* Phóng viên: Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng hậu quả của cuộc chiến tranh mà quân đội Mỹ đã để lại trên đất nước Việt Nam cho đến nay vẫn còn rất nặng nề. Ý tưởng ra đời của công trình Làng Cam phải chăng giải quyết hậu quả này, thưa ông?
* Thiếu tướng TRẦN NGỌC THỔ: Hiện nay, 58/63 tỉnh thành phố trên cả nước có khoảng 4,8 triệu người là nạn nhân bị nhiễm và phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin; trong đó, có khoảng hơn 3 triệu nạn nhân là thế hệ thứ 2, thứ 3 và di chứng vẫn còn hiện hữu ở thế hệ thứ 4. Hàng vạn người đã chết trong đau khổ, bệnh tật; hàng vạn trẻ em ra đời bị dị dạng, thiểu năng trí tuệ, tật nguyền suốt đời; hàng trăm ngàn gia đình đang phải sống trong nỗi khổ đau tột cùng bởi tác hại của chất độc hóa học do quân đội Mỹ gieo rắc trên đất nước Việt Nam suốt mấy chục năm qua.
Riêng tại TPHCM, có hơn 70 ngàn người, trong đó có hơn 20 ngàn người bị phơi nhiễm (chất độc da cam/dioxin), số còn lại chiếm khoảng 70% là nạn nhân bị nhiễm, cuộc sống của họ hiện nay vô cùng khó khăn, có đến khoảng 90% là không thể làm việc được, phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội. Làng Cam hình thành là sự kết nối lòng nhân ái, dự kiến sẽ khởi công vào năm 2012 và hoàn thành trong năm 2013.
* Quy mô xây dựng Làng Cam như thế nào, thưa ông?
* Làng Cam sẽ là một công trình mang tính xã hội hóa và không lợi nhuận, do vậy, được nhiều tầng lớp cán bộ, nhân dân hưởng ứng và cộng động quốc tế hoạt động ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng rất ủng hộ. Đó không chỉ là niềm khát khao của người dân thành phố xây dựng một trung tâm nghiên cứu khoa học và hỗ trợ giúp nạn nhân da cam/dioxin có cơ hội vươn lên hòa nhập cộng đồng, mà còn là nguyện vọng tha thiết của đa số các gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Công trình bao gồm 9 hạng mục và trang thiết bị phục vụ y tế, dạy nghề để nuôi dưỡng các nạn nhân da cam không nơi nương tựa. Đây là công trình độc đáo có một không hai trên đất nước Việt Nam, mang ý nghĩa nhân đạo, tính nhân văn cao, là đạo nghĩa, tình người mà chúng ta không được phép quên họ.
Đối tượng được hưởng từ công trình Làng Cam là các nạn nhân bị nhiễm chất độc không tự phục vụ cho bản thân, sẽ được nuôi dưỡng thường xuyên. Sẽ có khoảng 2.000 lượt nạn nhân/năm được chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy nghề tại Làng Cam. Nạn nhân được học nghề thường xuyên dự kiến bình quân khoảng 150 học viên/năm. Các gia đình nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin cũng sẽ được xem xét để giải quyết cho học nghề, hầu giúp họ bớt đi phần nào khó khăn trong cuộc sống.
* Khi Làng Cam hình thành, hoạt động cụ thể của làng là gì?
* Bước đầu sẽ trưng bày các tư liệu lưu trữ hiện vật, hình ảnh, sự kiện nghiên cứu, các chứng cứ khoa học, sự đóng góp nguồn lực và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên phương diện ngoại giao và các tổ chức yêu chuộng hòa bình quốc tế. Sau sẽ tổ chức đón các đoàn khách trong và ngoài nước đến để phối hợp, hỗ trợ điều trị, giải phẫu chỉnh hình; phục hồi chức năng và khắc phục khiếm khuyết (có thể) cho nạn nhân khuyết tật; tiếp tục chăm sóc nạn nhân sau điều trị. Nuôi dưỡng nạn nhân có tuổi bị bệnh tật, nạn nhân thế hệ thứ 2, thứ 3 có hoàn cảnh đặc biệt nhưng bị bỏ rơi không nơi nương tựa. Tuyển chọn đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, y tá và tình nguyện viên giỏi về chuyên môn, có tâm đức để gắn bó lâu dài với Làng Cam.
Chúng tôi cũng sẽ vận động các tổ chức y tế trong và ngoài nước tài trợ thuốc men, các trang thiết bị y tế hiện đại để có thể điều trị tại chỗ và phối hợp với các bệnh viện nhận từ 500 đến 1.000 lượt người/năm nạn nhân là thường dân, cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Ngoài ra, Làng Cam sau khi đi vào hoạt động sẽ tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho nạn nhân còn khả năng lao động để hòa nhập cộng đồng. Dạy nghề cho trẻ bị nhiễm chất độc da cam còn khả năng lao động từ 150 đến 300 trẻ/năm. Tổ chức sản xuất, dịch vụ tạo thu nhập tự trang trải một phần kinh phí. Giải quyết việc làm cho 50 đến 100 học viên/năm sau khi được đào tạo nghề.
* Những khó khăn hiện nay trong việc thực hiện đề án này là gì?
* Kinh phí xây dựng công trình Làng Cam dự kiến khoảng 100 tỷ đồng, chủ yếu do vận động từ các công ty doanh nghiệp trong nước, các nhà hảo tâm, kiều bào và bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, do kinh tế thế giới đang rơi vào thời kỳ khủng hoảng, kinh tế Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vì thế, nếu không có sự chung tay đóng góp hết lòng của cộng đồng thì việc xây dựng một công trình lớn tầm cỡ như thế này sẽ gặp không ít khó khăn.
* Xin cảm ơn ông.
LÊ KIM DUNG (thực hiện)