Tại Hội thảo “Phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”, TS Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (KDTVSNK2) cho biết, nhân chuyến viếng thăm mới đây của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhật Bản, nước bạn thông báo mở cửa cho trái xoài Việt Nam, nhưng ít ai biết, để mở cửa thị trường này, Việt Nam phải chuẩn bị trước đó 6 năm.
Theo TS Nguyễn Hữu Đạt, để có thể xuất khẩu một loại trái cây nào đó vào những thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, Chile, New Zealand, Hàn Quốc, Mỹ… là cả quá trình đàm phán, chuẩn bị và thực hành ngay trên đồng ruộng với sự giám sát nghiêm ngặt. Để năm 2008 được Mỹ đồng ý mở cửa thị trường thanh long, trước đó 4 năm, Bộ NN-PTNT cử cán bộ của Trung tâm KDTVSNK2 sang làm việc với cơ quan chức năng tìm hiểu các bước đầu tiên nhằm đáp ứng các yêu cầu. Sau 10 năm âm thầm mở cửa các thị trường khó tính, TS Nguyễn Hữu Đạt cho biết, sau thanh long, Mỹ đã mở cửa thêm chôm chôm (năm 2011) và nhãn, vải (2014); thị trường Chile với thanh long (năm 2012); New Zealand với trái xoài (2012), chôm chôm (2015); Australia với trái vải (2015); Hàn Quốc với thanh long (2010)…
Điểm chung của những thị trường trên là phải có chương trình tiền chứng nhận. Để xuất thanh long vào Mỹ, Việt Nam phải gửi danh sách dịch hại trên trái thanh long, sau đó hai bên phân tích mối nguy cơ để thống nhất danh sách đối tượng thực vật cấm và giải pháp loại bỏ. Để có chương trình tiền chứng nhận, phía Mỹ và Cục Bảo vệ thực vật phải giám sát và lên danh sách mã số vùng trồng theo chuẩn VietGAP, phải bọc trái và việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải phù hợp theo yêu cầu đối tác; còn thêm mã số cơ sở đóng gói và mã số nhà máy (chiếu xạ) xử lý sản phẩm trước khi xuất khẩu. Những thị trường khó tính khác cũng với cách làm như thế, nếu khác chỉ ở khâu xử lý hơi nước.
Từ năm 2008, khi xuất thanh long vào Mỹ với 100 tấn, đến năm 2014 lên 1.500 tấn và 8 tháng đầu năm 2015 đã bằng với cả năm rồi. Điều đáng nói, không có lô hàng nào vi phạm kiểm dịch thực vật. Năm 2014, lượng trái cây xuất vào các thị trường khó tính khoảng 4.000 tấn, dù còn ít nhưng nếu giá bình quân 1kg trái cây xuất khẩu vào thị trường bình dân khoảng 1 USD/kg thì với thị trường khó tính được gấp 4 - 5 lần, thậm chí có khi 7 - 8 USD/kg, như vậy, giá trị mang về tương đương trên dưới 20.000 tấn/năm. Bài học về trái nhãn và năm nay là trái vải cho thấy, chính nhờ thị trường khó tính đã điều tiết thị trường, giúp hạn chế việc giảm giá trong nước. Khi trái cây Việt Nam thâm nhập vào các thị trường khó tính cũng có nghĩa là chất lượng, thương hiệu và giá trị trái cây Việt được nâng lên trong cái nhìn của người tiêu dùng các nước. Và đó cũng là điển hình của việc xây dựng chuỗi cung ứng với việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định.
ĐĂNG LÃM