Ngày 22-11, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã trò chuyện trực tuyến với người dân từ 83 địa điểm trên khắp cả nước ngay tại văn phòng của ông ở Mátxcơva. Đây không phải lần đầu tiên ông Medvedev tiến hành cuộc trò chuyện trực tiếp với dân chúng Nga. Hai lần trước diễn vào tháng 4 và tháng 7-2009.
Kể từ sau khi nhậm chức, ông Medvedev quyết định tổ chức những cuộc trò chuyện trực tuyến này ít nhất hai lần một năm để tìm hiểu, giải đáp những thắc mắc của người dân. Mỗi buổi giao lưu trực tuyến đều được ông gọi là cơ hội để nhà lãnh đạo tự soi lại chính mình và nâng cao uy tín của Chính phủ Nga. Không phải chỉ trong những cuộc giao lưu trực tuyến ông Medvedev mới tìm hiểu nguyện vọng của người dân. Vị chính khách say mê công nghệ nhất nước Nga này đã lập 2 trang web cá nhân bằng tiếng Nga và tiếng Anh trên Twitter ghi nhận những ý kiến đóng góp của người dân Nga.
Người tiền nhiệm trước ông Medvedev, Thủ tướng Putin cũng đã mở 6 cuộc đối thoại trực tiếp qua hệ thống truyền hình và phát thanh kể từ khi nhậm chức. Ria Novosti nhận định, những buổi giao lưu trực tuyến đã trở thành cầu nối tình cảm, sự gắn bó, lòng yêu nước và cả nhiệt huyết của ông Putin tới những người dân.
Xu hướng đối thoại trực tiếp giữa chính phủ với người dân đã trở thành xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Vì đây được cho là cách tiếp cận trực tiếp, hiểu được các vấn đề của nhân dân hữu hiệu nhất.
Tổng thống Mỹ Obama cũng đã mở các cuộc trò chuyện trực tiếp với người dân trên mạng Internet nhằm củng cố sự ủng hộ của họ trong thời gian cầm quyền. Thật ra, nhà lãnh đạo này đã sử dụng hình thức này từ khi ông là một trong những ứng viên trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008. Cũng nhờ “đội quân Internet”, ông đã có được sự ủng hộ đông đảo của người dân và trở thành người đứng đầu Nhà Trắng.
Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc là Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo trở thành hai vị chính khách đầu tiên trong lịch sử nước này thường xuyên mở những cuộc giao lưu trực tuyến giải đáp thắc mắc của người dân kể từ năm 2008. Tuy không thể trả lời hết tất cả các câu hỏi được đưa ra trong mỗi lần trò chuyện nhưng hai vị lãnh đạo Trung Quốc thật sự gây ấn tượng mạnh trong lòng người dân bởi những trả lời thẳng thắn.
Chính phủ Trung Quốc còn lập ra trang web “Đến trực tiếp Trung Nam Hải” để người dân có thể gửi trực tiếp các kiến nghị, đề xuất đến 9 lãnh đạo của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thống kê của báo điện tử Huffington Post cho thấy, hiện đang có 16 nhà lãnh đạo trên thế giới lập trang blog cá nhân Twitter với mục đích giao lưu và thu nhận ý kiến đóng góp cũng như đề xuất của người dân. Trong số đó có các vị lãnh đạo Chile, Israel, Canada, Mỹ, Nhật, New Zealand, Latvia, Đan Mạch…
Quả thật, Internet khi đã trở thành kênh thông tin hữu hiệu để thu thập ý kiến nhân dân, thông qua đó có thể lắng nghe tiếng dân, để từ đó lãnh đạo có thể đưa ra những quyết sách phù hợp.
THANH HẰNG