Những ngày cận Tết Nguyên đán, tại các làng nghề truyền thống ở miền Trung không khí rộn rã, tất bật hơn ngày thường. Đây được xem là vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm, là tín hiệu đáng mừng đối với các làng nghề trong việc bảo tồn và phát triển.
Nghề làm bánh tráng ở thôn Phú Hòa 2 (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang TP Đà Nẵng) vào vụ tết. Ảnh: NGUYỄN HÙNG
Nhộn nhịp làng nghề
Con đường bê tông từ quốc lộ 14B dẫn vào thôn Phú Hòa 2 (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nhộn nhịp trong những ngày giáp Tết Nguyên đán. Từ nhà ra ngõ, hàng trăm vỉ bánh vừa tráng xong được sắp thẳng hàng, ngay ngắn. Tiếng nói cười làm cho không khí ở làng quê rộn rã.
Anh Đinh Mỹ, chủ lò bánh tráng Quề, cho biết: “May mà trời trở nắng mấy hôm nay nên việc làm bánh đỡ vất vả hơn, chứ mấy hôm trước trời mưa nên phải quạt than sấy. Công việc có phần cực nhọc nhưng rất vui vì đây là thời vụ chính để bà con ở làng nghề chúng tôi kiếm thêm thu nhập lo cho những ngày tết”.
Theo anh Mỹ, ở thôn Phú Hòa 2 có gần 40 hộ làm nghề tráng bánh tráng. Hộ làm lâu đã vài chục năm, hộ mới cũng được 2, 3 năm nay. Riêng gia đình anh, ngày bình thường làm khoảng 50kg gạo, còn vào vụ tết tăng gấp đôi. Số bánh làm ra mỗi ngày một phần bỏ cho các nhà hàng, quán ăn trong khu vực, số còn lại được các thương lái từ khắp nơi đổ về gom hàng chở đi nên làm không xuể. Vụ tết thường kéo dài từ giữa tháng 11 âm lịch cho đến ngày cuối cùng của tháng Chạp. Trừ hết chi phí, mỗi gia đình cũng kiếm được 15 - 20 triệu đồng.
Ở tuổi 74 nhưng trông bà Đặng Thị Tùng vẫn khỏe lắm. Bà cho biết, đã gần một tháng nay, ngày nào bà cũng dậy từ 2 - 3 giờ sáng để xay bột, tráng bánh. Năm người trong gia đình bà gồm dâu, rể, con trai, con gái mỗi người đảm nhận một công đoạn để hàng ngày cho ra lò hơn 1.000 chiếc bánh.
Làng bánh khô mè, khô nổ ở phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) không chỉ nổi tiếng ở Đà Nẵng mà tiếng tăm còn lan ra cả miền Trung bởi đây được xem là đặc sản của vùng. Những ngày giáp tết, cả làng nghề tấp nập người ra, kẻ vào, nhiều thương lái từ khắp nơi tìm đến đặt hàng, có cả người từ Hà Nội vào hay tận TPHCM ra.
Ông Huỳnh Đức Khiển, chủ lò bánh khô mè Bà Liễu mẹ, không giấu được niềm vui: “Những ngày này, lò bánh của tôi làm gấp đôi so với bình thường. Bao nhiêu hàng làm ra cũng được người ta tìm đến tận nơi mua. Năm nay có cả bà con Việt kiều ở Mỹ, Canada cũng gọi điện về đặt hàng”.
Ngược ra xứ Huế, xuôi theo dòng sông Hương thơ mộng, chúng tôi về với Thanh Tiên - ngôi làng gắn với nghề làm hoa giấy truyền thống thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Trong căn nhà nhỏ hẹp chất đầy hoa giấy sặc sỡ, ông Nguyễn Hóa tâm sự: “Năm nay làng nghề làm hoa giấy đã hồi sinh nên bán cũng được. Mấy năm trước, phải mang xuống chợ bán, nay người ta tới tận nhà đặt làm rồi mua luôn. Bà con mừng lắm…”.
Nghề làm hoa giấy cũng lắm công phu, đòi hỏi tính kiên trì không kém gì trồng hoa tươi. Hiện tại cả làng Thanh Tiên chỉ còn khoảng 30 hộ theo nghề hoa giấy, song nỗ lực của những nghệ nhân đã tạo cho hoa giấy Thanh Tiên một luồng sinh khí mới.
Giữ lửa làng nghề
Cùng với cơ chế thị trường, nhiều làng nghề ở miền Trung đã mai một và dần biến mất. Thế nhưng, tại nhiều làng nghề khác, người dân đã biết chớp thời cơ, tận dụng lợi thế để không những bảo tồn mà còn phát triển mạnh. Tiêu biểu như làng nghề bánh tráng; khô mè, khô nổ ở Đà Nẵng hay làng nghề làm mứt gừng Kim Long, bánh tét làng Chuồn, hoa giấy Thanh Tiên (Thừa Thiên - Huế)…
Bởi tại những làng nghề này, ngoài những bậc cao niên bám nghề còn có những thanh niên cũng tiếp bước cha ông, chọn nghề truyền thống của gia đình làm kế sinh nhai. Tại lò bánh khô mè Bà Liễu mẹ, Huỳnh Đức Sol năm nay vừa tròn 25 tuổi nhưng đã có thâm niên làm bánh hơn 12 năm. Đến nay, Sol đã thành thục mọi công đoạn từ ngâm gạo, nhào bột, quét đường, lăn mè cho đến đóng gói.
Tốt nghiệp ngành Kế toán (Đại học Duy Tân), Sol không đi xin việc làm như các bạn mà quyết định về giúp quản lý cơ sở bánh khô mè của bà nội để lại. Sol cho rằng: “Nghề nào cũng là nghề. Miễn là sống được với nghề thì làm. Hơn nữa, thương hiệu bánh khô mè Bà Liễu mà bà nội đã dành cả đời gầy dựng không thể để mất được. Việc gìn giữ sản nghiệp của ông bà để lại là trách nhiệm của con cháu”.
Cùng với nỗ lực của người dân làng nghề, các ngành chức năng Đà Nẵng cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Ông Huỳnh Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), cho rằng: Làng nghề truyền thống chính là yếu tố biểu hiện rõ nét bản sắc dân tộc của địa phương nên cần thiết bảo tồn, phát huy. Do đó, chính quyền địa phương đang lập dự án phát triển làng nghề truyền thống, chủ trương chính là định hướng cho bà con làng nghề tham gia làm du lịch.
Cụ thể, làm một số mô hình thí điểm homestay và xây dựng không gian làng quê - nơi có thể tập hợp tất cả mô hình làng nghề của huyện Hòa Vang khi khách du lịch đến tham quan. Ngoài việc coi trình diễn nghề truyền thống, khách có thể tự tay làm ra sản phẩm. Bên cạnh đó, địa phương làm việc với các cơ sở, các hộ dân để tạo điều kiện cho họ đưa sản phẩm bày bán tại các phiên chợ hàng Việt tổ chức trên địa bàn.
Trong khi đó, Thừa Thiên - Huế đã có quyết định đầu tư 9 tỷ đồng để khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, chương trình thực hiện trong hai năm 2014 - 2015. Theo đó, tập trung nâng cao tay nghề gắn với giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho 1.500 lao động trong nông nghiệp nông thôn…
NGUYỄN HÙNG - VĂN THẮNG