Tình trạng người dân TPHCM không mặn mà với việc sử dụng cầu vượt (cầu bộ hành) tiếp tục là một sự lãng phí kéo dài khi nhiều công trình được đầu tư tiền tỷ từ ngân sách. Nhiều hình ảnh nhếch nhác khó coi, mất mỹ quan đô thị càng khiến người dân quay lưng với công trình hỗ trợ giao thông đường bộ này.
Nằm trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), cầu vượt Văn Thánh được xây dựng năm 2001 nhằm giảm ách tắc giao thông cũng như giải quyết đi lại cho người dân. Tuy nhiên trên thực tế người dân không mặn mà với việc sử dụng công trình đường bộ này. Trong giờ cao điểm cũng chỉ có lác đác vài người qua lại. Những hình ảnh nhếch nhác, khó coi như vứt rác, viết vẽ bậy ngay trên cầu, người dân phơi túi ni lông, buôn bán tùy tiện khiến cầu bộ hành đánh mất vẻ mỹ quan. Anh Nguyễn Ngọc Minh, nhà ở gần cầu này, bức xúc: “Xây dựng cây cầu này gần 10 năm nhưng chẳng thấy mấy người sử dụng. Mọi người cứ thế băng qua đường. Tối về, con nghiện tập trung khiến mọi người càng ngán ngẩm”.
Tình hình sử dụng cầu vượt trước Bệnh viện Từ Dũ cũng không khả quan hơn. Mặc dù nằm trên tuyến đường có lưu lượng phương tiện giao thông đông, thường xuyên xảy ra kẹt xe, va quẹt nhưng người dân vẫn không hề có ý định sử dụng cầu bộ hành, kể cả bác sĩ, sản phụ cũng vô tư băng qua đường bất chấp nguy hiểm. Sau gần 3 giờ quan sát, chúng tôi thấy không ai dùng cầu bộ hành khang trang này. “Mỗi lần muốn qua cầu là phải len lỏi qua những hàng xe dày đặc, bất tiện và mất thời gian lắm. Cứ băng qua thế này cho khỏe” - chị Nguyễn Thị Hoa, người nhà một sản phụ, chia sẻ. Những cây cầu bộ hành ngang Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5), Bệnh viện Ung bướu (Bình Thạnh) cùng chung cảnh ngộ tương tự.
Tuy không đìu hiu như những cây cầu trên do lượng xe cộ qua lại dày đặc nhưng cầu vượt trước Khu du lịch Suối Tiên (quận 9) lại khiến mọi người ngán ngẩm khi hàng hóa được bày bán tràn lan trên cầu. Dưới chân cầu người dân mở quán nước, trong khi xe dù, xe khách xí chỗ neo đậu, làm người đi bộ muốn qua cầu phiền lòng.
Thiết nghĩ, công tác quản lý và chăm sóc cầu bộ hành nên được chú trọng, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên để người dân cảm thấy yên tâm khi sử dụng công trình. Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy được ích lợi của việc sử dụng cầu bộ hành. Hiện nay, các hình thức xử phạt người đi bộ tùy tiện băng qua đường, không theo vạch quy định, trong khi cầu bộ hành bỏ hoang, còn quá nhẹ, không đủ răn đe.
Thành Nhơn