Lãng phí khủng khiếp từ những quy hoạch treo

 Lãng phí khủng khiếp từ những quy hoạch treo, ai cũng nhìn thấy, bức xúc, nói nhiều, nhưng năm tháng trôi qua, những dự án treo, đất bỏ hoang vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Chiều 2-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Vấn đề lãng phí luôn là bức xúc lớn mà Quốc hội đề cập trong các kỳ họp, vì thế nhận được sự quan tâm của các ĐBQH. Lãng phí của dự án, quy hoạch treo, giải ngân đầu tư công chậm, sử dụng tài sản công… là điều mà nhiều ĐBQH trăn trở.

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) cho rằng, những hạn chế trong công tác này đã được chỉ ra từ Quốc hội các khóa trước, nên cần phải khắc phục ngay trình trạng chậm giải ngân đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, dự án treo…

Đây đều là những lĩnh vực gây lãng phí rất lớn. ĐB Văn Thị Bạch Tuyết cũng cho rằng, qua giám sát ở địa phương thấy có sự lãng phí lớn trong sử dụng tài sản công. Có những tòa nhà, quỹ đất công với vị trí vàng nhưng đang được để trống, được sử dụng không hiệu quả, cho thuê với giá thấp, gây thiệt hại cho nhà nước. ĐB cho rằng, cần sửa Luật quản lý, sử dụng tài sản công; phân cấp cho chính quyền địa phương trong việc cho thuê đất công. Cùng với đó cần có giải pháp để tránh lãng phí trong sử dụng đất đai để bảo đảm quyền lợi của người dân, nhất là khi có hàng ngàn dự án vẫn ở dạng treo, thậm chí có dự án bỏ hoang, còn người dân thì bị ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và sinh kế.

Lãng phí khủng khiếp từ những quy hoạch treo ảnh 1 ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC

 ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cũng chỉ ra lãng phí khủng khiếp từ những quy hoạch treo, ai cũng nhìn thấy, bức xúc, nói nhiều, nhưng năm tháng trôi qua, những dự án treo, đất bỏ hoang vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng nghìn ha đất bỏ hoang, bỏ không do chưa triển khai được quy hoạch thì có hàng chục nghìn hộ gia đình không đất, phải ở tạm gầm cầu, ven sông, nơi không an toàn và luôn tiềm ẩn các rủi ro ngày đêm rình rập. Do đó, ĐB Nguyễn Quốc Hận đề nghị các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt, có giải pháp khắc phục hữu hiệu, kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án không đủ khả năng hoặc cố tình kéo dài dự án. Trong hoạch định cần bám sát thực tiễn và nhu cầu của xã hội, nguồn lực đáp ứng khả năng triển khai để có một quy hoạch phù hợp, khoa học, khả thi, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Lãng phí khủng khiếp từ những quy hoạch treo ảnh 2 ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phát biểu tại phiên thảo luận: Ảnh: QUANG PHÚC 

ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đề nghị sớm xem xét sửa đổi Luật Đất đai để khắc phục tình trạng lãng phí đất. Theo ĐB, những năm gần đây, giá đất lên cao, nhiều địa phương đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất để chuyển sang đất ở, đất công nghiệp, tổ chức đấu giá trả giá rất cao. Điều đó dẫn đến tình trạng, người có nhu cầu đấu giá thì không có nhu cầu ở, người có nhu cầu ở thì không thể có tiền để đấu giá, đất sản xuất trở thành đất để hoang.

Quốc hội cần sớm xem xét sửa đổi Luật Đất đai để khắc phục tình trạng trên. Cũng theo ĐB Trần Đình Gia, một số quy quy định của pháp luật về định mức, tiêu chuẩn được ban hành đã lâu, không phù hợp với thực tiễn, nhưng chưa được rà soát và điều chỉnh. “Hiện chi phí đầu tư công trình công và một công trình tư chênh lệch rất cao, đây cũng là một sự lãng phí, một điểm dẫn đến tiêu cực, tham nhũng”, đại biểu nhấn mạnh.

Liên quan đến việc mua sắm phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực Nhà nước, ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) cho rằng, hiện đây là nội dung đáng quan tâm, nhất là những sai phạm trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua. ĐB đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, nguyên nhân chủ quan, khách quan từ cơ chế, chính sách, pháp luật để có giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian tới.

Theo ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh), để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả cao, cần quán triệt sâu sắc, hiệu quả hơn nữa để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ăn sâu vào ý thức, trở thành suy nghĩ thường trực trong mỗi việc làm hàng ngày của đảng viên, cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân, phải tạo cơ chế thuận lợi hơn nữa để Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp nhân tham gia giám sát hiệu quả.

Một số ý kiến cho rằng, cần giáo dục ý thức tiết kiệm, chống lãng phí cho học sinh ngay lúc ngồi trên ghế nhà trường, và phải giáo dục một cách thực chất, “như chúng ta cứ nói sách giáo khoa rất lãng phí, nhưng có khắc phục được đâu, mãi gần đây mới được triển khai”.

Các ĐBQH cũng chỉ ra rằng, chậm giải ngân đầu tư công, chậm tiến độ các dự án cũng là một sự lãng phí vô cùng lớn, khiến cho Chính phủ phải trả thêm chi phí, làm tăng tổng mức đầu tư, và đặc biệt là làm lỡ cơ hội phát triển. Cần làm rõ nguyên nhân, chỉ cá thể hóa trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan, cá nhân trong vấn đề này.

Tin cùng chuyên mục