Lãng phí nguồn nhân lực

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐTB-XH, vào cuối năm 2015, cả nước có đến 225.500 người có trình độ đại học trở lên đang thất nghiệp, chiếm tới 20% số lao động thất nghiệp. Đó là một thực trạng rất đáng quan tâm, chúng ta đang lãng phí nguồn nhân lực này.

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐTB-XH, vào cuối năm 2015, cả nước có đến 225.500 người có trình độ đại học trở lên đang thất nghiệp, chiếm tới 20% số lao động thất nghiệp. Đó là một thực trạng rất đáng quan tâm, chúng ta đang lãng phí nguồn nhân lực này.

Sinh viên đã tốt nghiệp đại học là lớp trí thức trẻ, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có ước mơ, hoài bão, có lý tưởng sống. Đây cũng là nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước. Bởi vậy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng phát triển nguồn nhân lực này ngay từ khi còn là sinh viên. Sinh viên Việt Nam được đánh giá là thông minh, sáng tạo và thể hiện rõ ở nhiều cuộc thi khu vực và quốc tế. Vậy mà, một lực lượng đông đảo sinh viên đã tốt nghiệp lại đang bị thất nghiệp.

Các ngành khoa học xã hội và nhân văn đang rất cần những sinh viên có năng lực thực sự, giỏi ngoại ngữ, tin học. Các lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng… cũng đang khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao. Phải chăng, sinh viên Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng? Việc đào tạo của chúng ta có vấn đề? Trên thực tế, năng lực con người được đánh giá trên 3 khía cạnh là kiến thức, kỹ năng và thái độ. Đối với sinh viên nước ta, các kỹ năng thực hành chưa được chú trọng so với các kiến thức lý thuyết hàn lâm trong hệ thống giáo dục. Từ biết đến hiểu là một khoảng cách rất xa, rồi từ hiểu đến làm việc chuyên nghiệp với năng suất lao động cao là một khoảng cách còn xa hơn nữa. Đó chính là thực trạng ở Việt Nam, sinh viên ra trường nhiều, biết nhiều kiến thức nhưng lại thiếu kỹ năng làm việc. Kỹ năng thực hành không cao dẫn đến phải đào tạo lại hoặc thất nghiệp.

Vì vậy, một trong những việc cần làm ngay ở các trường đại học là phải giúp sinh viên hình thành được những kỹ năng cần thiết, nhất là kỹ năng mềm. Cụ thể là bên cạnh việc trang bị hệ thống kiến thức lý thuyết vững chắc, phải biết vận dụng sáng tạo vào trong hoàn cảnh thực tế. Đó chính là sự trải nghiệm cuộc sống ở môi trường thực hành, thực tập cũng như ngay trong chương trình đào tạo. Nhà trường nên thường xuyên tạo điều kiện để các sinh viên có cơ hội phát huy tốt khả năng độc lập của bản thân, tăng thời gian thực tập, thực hành; đánh giá kết quả thông qua hiệu quả làm việc tại các cơ sở. Đặc biệt, cần chú trọng hơn về kỹ năng sử dụng ngoại ngữ và tin học (giao tiếp tốt với người nước ngoài và làm chủ những phần mềm thiết thực). Bên cạnh đó, phải giúp sinh viên có khả năng giải quyết và thích ứng với điều kiện mới, sẵn sàng phát huy tốt ở các lĩnh vực chuyên môn gần với nền tảng kiến thức cơ bản. Có như vậy mới hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng là chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Thạc sĩ LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN
(Đại học Nguyễn Huệ)

Tin cùng chuyên mục