Tại buổi họp báo về triển lãm quốc tế giấy và bột giấy lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam (sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 21-4, tại quận 7, TPHCM), ông Võ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA), cho biết 20 năm qua, ngành sản xuất giấy Việt Nam phát triển ở mức 2 con số, bình quân đạt 14% - 15%/năm. Dù sau này có giảm xuống nhưng vẫn ở mức cao với 12% - 13%/năm. Lý giải về điều này, ông Bảo cho rằng so với mức sử dụng giấy bình quân đầu người trên thế giới khoảng 55kg/năm thì mức 30kg giấy/người/năm của Việt Nam còn thua một khoảng cách xa. Giấy là nhu yếu phẩm hàng ngày, ít nhiều ai cũng phải sử dụng nên ngành có sự phát triển đều đặn và có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta.
Tuy nhiên, ngành sản xuất giấy Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn và bất cập. Thứ nhất, về thiết bị và công nghệ, hiện công nghệ lạc hậu chiếm đến 40%, còn lại 30% công nghệ khá hiện đại, 30% công nghệ trung bình. Casáhính sự lạc hậu này dẫn đến nhiều hậu quả khác như tiêu tốn điện năng và nước rất nhiều, chất thải nhiều hơn, lẫn lộn cả bột giấy. Điều này dẫn đến chi phí tăng, làm giá thành cao nhưng năng suất lại thấp, quan trọng hơn đã gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Trong số hơn 300 nhà máy sản xuất giấy và bột giấy, đa số có công suất dưới 5.000 – 7.000 tấn/năm.
Trong khi ở Trung Quốc, nhà nước đã cấm những nhà máy có công suất 10.000 tấn/năm trở xuống hoạt động vì ô nhiễm, không hiệu quả. Vì vậy, VPPA đề xuất, khi quy hoạch, Nhà nước nên đưa ra tiêu chí, những dự án mới, để sản xuất ra 1 tấn giấy chỉ được sử dụng một hạn mức nhất định về điện và nước. Đó là biện pháp thúc đẩy nhà đầu tư khi lập dự án phải tính đến việc sử dụng công nghệ hiện đại, công suất lớn và xử lý chất thải. Công suất lớn sẽ giúp giảm chi phí và giá thành. Thuận lợi hiện nay, ngân hàng bắt đầu hướng sự quan tâm đến lĩnh vực này để cho vay, nhiều ngân hàng đã đăng ký làm thành viên của VPPA để có thể nắm thông tin và nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Thứ hai, vùng nguyên liệu giấy. Hiện nay mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn gỗ dăm mảnh, đặc biệt ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Bắc bộ. Lượng xuất khẩu trên tương đương khoảng 2,5 triệu tấn bột giấy. Điều đáng nói, trong lúc giá xuất khẩu gỗ dăm mảnh rất thấp (một hình thức xuất thô nguyên liệu), trong khi phải nhập giấy về với giá rất cao. Điều bất cập này không chỉ liên quan đến ngành sản xuất giấy mà cả ngành chế biến gỗ, cũng phải nhập nguyên liệu gỗ giá cao để chế biến. Vì vậy, Nhà nước cần sớm có chính sách để các ngành cùng liên kết lại tạo thành chuỗi từ trồng, sản xuất và chế biến. Tất nhiên, mỗi khâu trong chuỗi đó đều được hưởng lợi thỏa đáng. Sự rời rạc, cắt khúc hiện nay không chỉ làm suy yếu lợi ích từng ngành mà còn là điều kiện để nước ngoài hưởng lợi và thao túng.
Điều thứ ba, mỗi tờ giấy có thể được tái chế để sử dụng lại ít nhất 6 lần. Nhờ đó giúp giảm tiêu tốn điện, nước, lại không phát thải chất CO2 vào môi trường, không phải tốn nhiều chi phí chôn lấp rác phát sinh khí metan (CH4) gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, có người đã ví đây là nguồn “tài nguyên” nhưng theo VPPA, ở Việt Nam, con số sử dụng lại chỉ mới được 3 lần. Tức là 3 tờ giấy sử dụng chỉ thu hồi tái chế 1 tờ. Ở Nhật Bản và Đức, 2 quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh hàng thứ 3, 4 thế giới tỷ lệ thu hồi rất cao, đạt 78%. Việc phân loại rác có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tái chế giấy, dù Hà Nội và TPHCM đã làm thí điểm nhưng mấy năm nay vẫn chưa có kết quả. Phong trào kế hoạch nhỏ một thời đến nay vẫn còn có ý nghĩa trong việc tập cho các em ý thức về tiết kiệm thông qua việc thu hồi lại giấy đã qua sử dụng để tái chế.
CÔNG PHIÊN