Quốc hội thảo luận về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai

Lãng phí trong sử dụng đất đai vẫn phổ biến

Lãng phí trong sử dụng đất đai vẫn phổ biến

Ngày 12-6, Quốc hội đã tiến hành thảo luận các báo cáo về tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai. Trọng tâm vấn đề được nhiều đại biểu bức xúc nêu ra là tình trạng quy hoạch treo, quy hoạch sai còn diễn ra khắp nơi. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng tham nhũng về đất và khiếu kiện kéo dài trong dân.

  • Quy hoạch sai, quy hoạch treo ở khắp nơi

Trong phần thảo luận, rất nhiều đại biểu không bằng lòng trước thực trạng đến nay vẫn còn tới 37 tỉnh chưa hoàn thành được kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010. Đặc biệt, còn tới 138 huyện và 3.679 xã vẫn chưa lập được quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Lãng phí trong sử dụng đất đai vẫn phổ biến ảnh 1

Đại biểu Hoàng Thiện Cát (Hưng Yên) thẳng thắn nhìn nhận sự chậm chạp đó là do chỉ đạo của Chính phủ. Theo ông, sự chậm chạp này là “cơ hội để cấp dưới làm liều, lợi dụng để cấp, giao đất trái thẩm quyền, vi phạm pháp luật”.

Cũng liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, theo đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang), tình trạng nóng bỏng, “xót xa”, gây bức xúc trong nhân dân hiện nay là quy hoạch treo, quy hoạch sai, phát triển ồ ạt các khu công nghiệp, thu hồi đất của dân một cách tùy tiện, xảy ra ở khắp các tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Kim Khanh (Bình Phước) đi vào những chuyện cụ thể. Ông cho rằng, vì quy hoạch sai nên đã dẫn đến tình trạng lãng phí đất đai.

“Có nhiều vùng đất bờ xôi ruộng mật, mỗi năm sản xuất hàng trăm triệu đồng/ha như các làng lúa, làng hoa, làng đào... ở quanh Hà Nội đã bị thu hồi. Nhưng, đáng buồn là sau khi thu hồi xong thì xây tường cao, hào sâu để... cỏ hoang mọc” - ông nói. Trước thực trạng này, ông dẫn lại lời của nhiều cử tri nói rằng: “Chúng tôi tưởng nhà nước thu hồi đất để làm những việc to lớn. Chứ thu hồi để mở quán bán bia hơi, cho thuê bán hàng... đâu cần phải dự án, cứ để chúng tôi làm và nộp thuế cho nhà nước”.

Phân tích về mặt trái hiện tượng các tỉnh đua nhau mở khu công nghiệp, đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An) và Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) cho rằng, do kế hoạch sử dụng đất không tuân thủ quy hoạch chung được phê duyệt nên còn dẫn đến tình trạng rất phổ biến là quy hoạch treo, đặc biệt là ở các khu công nghiệp. Theo ông Xướng, đến nay, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp rất thấp, bình quân cả nước mới chỉ đạt 50%. “Nguyên nhân là do các tỉnh đang chạy theo bệnh thành tích, phong trào, số lượng để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư hoặc theo gợi ý của nhà đầu tư” - ông nói. Bởi vì những khu đã được quy hoạch, thường giá đất cho thuê cao. Các nhà đầu tư không đủ sức vào, nên họ đề nghị mở ra những khu công nghiệp mới. Càng mở rộng, tỉ lệ lấp đầy càng thấp.

Bức xúc về vấn đề trách nhiệm cá nhân trong quy hoạch sử dụng đất sai và lãng phí, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn đề nghị ngay tại kỳ họp lần này phải làm rõ những vấn đề liên quan đến quy hoạch sai, quy hoạch treo và trách nhiệm của cá nhân để sửa sai, rút kinh nghiệm. Bởi trong thời gian qua, việc xử lý những người phải chịu trách nhiệm về quy hoạch sai và gây lãng phí đất đai chưa nghiêm minh.

  • Khiếu kiện về đất đai kéo dài: Quan sai thì dân mới kiện!

Theo nhiều đại biểu, hệ quả của việc quy hoạch treo, đền bù không thỏa đáng đã dẫn tới khiếu kiện của người dân về đất đai kéo dài. Đáng lưu ý trong đó là sai phạm bắt nguồn từ chính các cán bộ, công chức. Đại biểu Trịnh Xuân Thu (Thanh Hóa) nhấn mạnh, trong quản lý đất đai, khi kiểm tra hầu hết các địa phương đều có sai phạm, đặc biệt là có sự tiếp tay của chính quyền địa phương như trong hàng ngàn ha sai phạm trong sử dụng đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn có sự tiếp tay của chính quyền địa phương;... Một thống kê sơ bộ được đại biểu Thu cung cấp cho thấy, trong số hơn 3.000 bị can trong khoảng 900 vụ án liên quan đến đất đai thì có hơn 1.300 bị can là cán bộ, đảng viên.

Cũng liên quan đến công tác thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, theo đại biểu Thu, 6 tháng đầu năm, có trên 7.200 lượt người khiếu kiện về đất đai thì có đến 60% liên quan đến đền bù và giải phóng mặt bằng. Đáng lưu ý là trong các vụ kiện kéo dài nguyên nhân là do các địa phương đã không giải quyết dứt điểm nên đã dẫn đến người dân kéo lên khiếu kiện trên trung ương ngày càng nhiều. Trong số 172 vụ việc khiếu kiện đông người mà Chính phủ trực tiếp chỉ đạo và kết luận thì có đến 114 vụ việc là người dân khiếu kiện đúng và đúng một phần.

“Điều đáng quan tâm là cán bộ phạm tội, dân bất bình khiếu kiện và khiếu kiện không được giải quyết nên đã dẫn tới khiếu kiện kéo dài”, đại biểu Thu nói.

Bức xúc trước thực tế này, đại biểu Mã Điền Cư (Bình Thuận), cho rằng, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, quy hoạch, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Chính phủ cần kiểm điểm, đánh giá trong báo cáo việc một số địa phương thường đưa ra lý do là thiếu quy định của pháp luật về đất, biện minh cho những sai phạm tùy tiện của mình nên đã xử lý không kiên quyết và kịp thời những vi phạm về đất đai, hậu quả là tình hình khiếu nại, tố cáo về đất đai diễn ra ngày càng phức tạp.

Giải pháp cho vấn đề này, theo đại biểu Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Quảng Ngãi), Chính phủ cần có đánh giá bao nhiêu diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng có hiệu quả; rà soát, đào tạo và thay đổi cán bộ yếu; xử lý nghiêm cán bộ vi phạm về đất đai. Bên cạnh đó, điều quan trọng trong mỗi dự án khi thu hồi là phải để người dân có cuộc sống an cư, có việc làm ổn định.

Đồng tình với ý kiến này, các đại biểu Nguyễn Kim Khanh, Tô Minh Giới (Cần Thơ) đề nghị: “Cần xây dựng một quy trình, nguyên tắc cứng trong chính sách thu hồi đất theo trình tự: đền bù – tái định cư – giải tỏa. Giải tỏa phải là khâu cuối cùng, bởi trên thực tế có nhiều người dân bị giải tỏa nhưng không có chỗ để tái định cư”.

Đại biểu VŨ TUYÊN HOÀNG (Quảng Nam): Quy hoạch vội, hậu quả nhiều đời

Quy hoạch đất đai không vội vàng được. Chẳng hạn quy hoạch về đất nông nghiệp, có thể bây giờ trồng lúa hoặc 10-15 năm nữa chuyển sang trồng loại cây khác. Nhưng đã xây dựng xí nghiệp, xây dựng nhà cửa thì không thể chuyển đổi lại được. Nhưng hiện nay, tình trạng này lại đang rất phổ biến ở nước ta. Bởi vậy, tôi đề nghị Quốc hội xem xét lại tất cả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai của tất cả các địa phương. Nếu quy hoạch sai thì phải sửa. Đất đai chỉ có thế thôi, nước ta là một nước hẹp, người đông và nếu sử dụng đất sai thì con cháu sau này sẽ chịu hậu quả nặng nề và không thể sửa đổi được.

Đại biểu ĐINH THỊ NÍNH (Sơn La): Xử lý vi phạm về đất đai chưa kiên quyết

Một trong nguyên nhân khiến việc quy hoạch đất chậm và yếu kém là do đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp tỉnh, huyện, xã vừa thiếu, vừa yếu về chuyên môn. Mặt khác, không ít cán bộ lãnh đạo của một số cơ quan, tổ chức chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dẫn đến buông lỏng quản lý, chỉ đạo công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong khi công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, đặc biệt là xử lý các vi phạm còn yếu kém và thiếu kiên quyết. Các vụ việc có tính nổi cộm, bức xúc của nhân dân còn chậm được giải quyết dứt điểm, còn để kéo dài, dẫn đến đơn thư khiếu kiện nhiều và vượt cấp.

Đại biểu NGUYỄN THỊ MAI HOA (Nghệ An): Chính phủ phải có giải pháp xóa quy hoạch treo

Theo tôi, tình trạng đua nhau biến đất nông nghiệp thành khu công nghiệp, rồi để xảy ra tình trạng quy hoạch treo, dự án treo gây lãng phí quỹ đất là do khả năng dự báo của các địa phương kém. Điều đáng tiếc là Chính phủ và các cấp có thẩm quyền đã không có biện pháp xử lý mà lại dễ dàng chấp nhận sự đã rồi. Đây là kẽ hở để duy trì cơ chế xin cho và chắc chắn là nguyên nhân để nảy sinh nhiều tiêu cực, dẫn tới tệ nạn tham nhũng. Hậu quả mà người dân phải gánh chịu đó là chấp nhận tình cảnh thiếu đất sản xuất, trong khi quỹ đất thì bỏ lãng phí.


Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục