16 năm, gần 300 hộ dân tổ 14 (phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi) hết trồng bắp chuyển qua nuôi bò, trồng bông nhưng cuộc sống của họ vẫn… bí do vướng quy hoạch treo của dự án khu hành chính tập trung tỉnh Quảng Ngãi. Điệp khúc trên cứ lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác vẫn chưa có lối thoát...
Trồng bắp
Bà Nguyễn Thị Hận (73 tuổi) lúi húi chậm thêm củi vào bếp rồi thổi phù, xới thêm cho lửa cháy thành ngọn. Chiếc nồi lớn đang luộc bắp (ngô) bốc hơi nghi ngút, sôi sùng sục. Trời oi nồng cộng với hơi nóng của lửa khiến mồ hôi ướt đẫm lưng áo bà. Phe phẩy chiếc quạt mo “hạ nhiệt”, đưa miếng trầu vào miệng nhai bỏm bẻm, bà chậm rãi kể như nhặt hạt: “Sinh ra, đã thấy làng nằm bên dòng sông Trà Khúc. Khi chưa có bờ kè, mỗi mùa lũ về mang theo những vạt phù sa trĩu nặng lở bồi. Đất đai màu mỡ, người dân vẫn chuyên cần sớm hôm nên những thửa ruộng mía, bắp xanh ngút ngàn triền sông làm cho cuộc sống của người dân no đủ”.
73 mùa bắp trôi qua cùng những vị ngọt ngào của phù sa, bà chẳng muốn đi đâu nữa. “Gần đất xa trời rồi, nghe bảo quy hoạch làm nhà cao tầng, dân sẽ được tái định cư ở khu nhà mới, khang trang hơn. Nhưng chẳng biết có được cái phúc ấy không? Mà về đó, chắc chẳng có đất trồng bắp” - bà bỏ lửng câu rồi chậm thêm củi vào bếp.
Ông Kiều Nghiêm (50 tuổi) bảo rằng không đến tận nơi thì khó biết được cuộc sống của người dân nơi đây khó khăn thế nào. Nhà ông Nghiêm làm 3 đám ruộng (trong đó 2 đám đi thuê). Hai vợ chồng ông sáng tối cắm cúi chăm bón nhưng mỗi vụ bắp bán ngay tại ruộng cũng chỉ được chừng 2 - 3 triệu đồng. “Hai đứa con đang đi học. Xoay xở thế mà vẫn túng thiếu” - ông Nghiêm than. “Trên những con đường dẫn vào nội thị Quảng Ngãi, những chiếc xe đạp chở hai sọt bắp phía sau đi bán dạo là những người của làng tôi đấy” - ông Tạ Công Hùng tự hào rồi nói thêm: “để có thể đem bắp đi bán, họ phải dậy từ 4 giờ sáng ra chợ thôn mua hàng, 8 giờ cho vào nồi luộc, 15 giờ vớt ra bắt đầu rong ruổi, có hôm trời chuyển về khuya sọt bắp mới vơi đi. Mỗi chuyến như vậy, lời 800.000 đến một triệu đồng. Mùa bắp thường kéo dài 9 tháng trong năm, bắp ngắn ngày, bắp luộc phải là loại bắp non, người dùng mới ưa”.
“Trong số 16ha quy hoạch, ngoài đất ở, 2/3 diện tích đó người dân vẫn đang tận dụng sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng bắp” - Chủ tịch UBND phường Võ Quang cho biết.
Nuôi bò, trồng bông
Vào tổ 14, thỉnh thoảng những cơn gió từ phía sông Trà thổi mang theo mùi ngai ngái của phân bò, tiếng bê con gọi đàn phát ra từ những chuồng trại để đòi ăn. Những bụi tre vặn mình kêu răng rắc, tiếng lá dừa khua xào xạc, gà gáy báo sang canh… bóng dáng của đô thị mà trước đó chỉ vài bước chân đã biến mất. Hai con bò nhà anh Trần Văn Thanh (42 tuổi) to lừng lững trong chiếc chuồng như đã chật chội đang đủng đỉnh ăn cỏ. “Giống bò siêu thịt được các thương lái nhập về từ Hà Lan, chịu ăn, chóng lớn nên nuôi trong năm là bán được” - anh Thanh cho biết.
Anh Thanh là thợ xây dựng, lương công nhân chẳng đủ nuôi hai con ăn học. Nhà có 1,5 sào ruộng, vợ chồng anh cũng xoay đủ mùa theo mỗi loại giống sản xuất để bù thêm chi phí gia đình. “Đầu năm mua 2 bò giống hết 24 triệu đồng, thức ăn có sẵn trong vườn, cuối năm bán có thể lời được 30 triệu đồng. Quần áo mới cho con, chi tiêu sinh hoạt trong dịp tết trông chờ hết vào 2 con bò”.
Ngừng tay cho bò ăn, chị Hiền (vợ anh Thanh) cầm cuốc ra những luống hoa lay ơn được hom trồng đã lên xanh mướt. 1,5 sào đất trước đó được trồng bắp nay được vợ chồng anh Thanh tận dụng chuyển qua trồng bông lay ơn và hoa cúc đất. “Giống lay ơn được nhập về từ Đà Lạt từ tháng 3, ủ kỹ giờ mới đem ra trồng. Năm nay giá đắt hơn mọi năm. Nhưng không trồng hoa thì cũng chẳng biết làm gì, bỏ đất hoang thì phí quá. Nếu thời tiết thuận, hoa bung đúng dịp, bán được trong vài ngày tết cũng có lãi gần 10 triệu đồng” - chị Hiền cho biết. Cạnh thửa lay ơn nhà anh Thanh là những ruộng lay ơn của những gia đình khác cũng đã lên xanh, cứng cáp. Các hộ dân ở đây cho biết, sản xuất ở đây khép kín, trồng bắp lấy thức ăn cho bò, nuôi bò lấy phân, ủ hoai trồng bông. Nên hoa ở đây xanh tốt, bung đẹp.
Cũng chính vì tổ 14 là làng quê giữa phố thị nên có những chuyện hài hước khiến người nghe cũng ngỡ ngàng. Bà Đoàn Thị Lành (55 tuổi) là bà con với bà Đoàn Thị Lan từ xã Đức Minh (huyện Mộ Đức) lên chơi, kể hóm hỉnh: “4 giờ sáng, bỗng nghe tiếng gà gáy, tôi ra khỏi giường, đi thẳng xuống chuồng bò tìm cày chuẩn bị ra đồng. Loay hoay mãi chẳng thấy cày đâu, lại thấy khung cảnh nửa quen nửa lạ nên cứ ngờ ngợ. Đang định thần lại thì thấy bà Lan lụi cụi bước ra, tôi mới ngớ người là đang ở trên… thành phố”.
Còn em Nguyễn Thu Thảo, học sinh Trường THCS Trần Quốc Tuấn (TP Quảng Ngãi), thêm vào: “Ở đây, bọn em chẳng cần đồng hồ báo thức để dậy học bài vì đã có tiếng gà gáy sáng làm thay rồi”. Theo nhẩm tính của bà Lan, ở tổ 14 này với gần 300 hộ dân, nửa số đó nuôi bò (2 con/nhà) thì cũng đã gần 300 con rồi. “Diện tích đất rộng, lại hay bị ngập úng, bãi bồi phù sa màu mỡ nên loại cỏ tranh sau khi được trồng phát triển nhanh, thức ăn đủ cả năm cho đàn bò. Dự định cuối năm nay sẽ bán lấy tiền phục vụ tết. Thời buổi khó khăn thế này, chỉ trông chờ vào 4 con bò thôi” - bà Lan lý giải.
Vẫn bí!
Xoay xở đủ kiểu, ấy vậy nhưng cuộc sống các hộ dân ở đây vẫn rất khó khăn do vướng quy hoạch. Nhắc đến chuyện quy hoạch treo, ông Tạ Diệp chẳng buồn nói nữa, bởi ông cũng như các hộ dân ở đây đã nghe miết điệp khúc mai mốt làng lên thành phố, dân sẽ được chuyển về nơi ở mới khang trang hơn, cuộc sống khấm khá hơn. “Khi thành phố chưa quy hoạch, chưa làm đường, mỗi mùa mưa đến, nước mưa chảy thẳng ra sông Trà Khúc, dân ở đây đâu phải chịu cảnh ngập úng lâu ngày. Ấy vậy mà nay 4 hướng đã mở đường, làm mới, mặt đường cao hơn nhà dân, nền nhà thấp trũng như những cái ao chứa nước đọng.
Năm 2009, mưa ngập nhà, dân phải kêu xe máy cẩu tới phá cống cho nước thoát. Vậy nhưng, cũng cả tuần mới hết cảnh ngập úng. Ẩm ướt, hôi hám nên các loại muỗi, côn trùng thi nhau sinh sôi nảy nở, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết năm nào cũng xảy ra. Khổ hơn nữa là tất cả các hộ dân ở đây không có hộ nào có giấy tờ nhà đất, họ sống như sống tạm, như xóm “nhảy dù”, đất mênh mông vậy nhưng chẳng có quyền lợi gì” - ông Kiều Nghiêm bức xúc. “Treo” lâu quá, nhà cửa dột nát, xuống cấp. Dân phản ứng quá nên chính quyền cho sửa chữa tạm để ở. Giấy tờ nhà đất không có nên bao năm nay, họ không thể sang nhượng, mua bán hay thế chấp dù rất cần vốn để sản xuất, kinh doanh. Vậy nhưng, năm nào phường cũng gửi giấy báo nộp thuế. Nhưng đâu có ai đi nộp, vì không có quyền, không biết diện tích bao nhiêu thì nộp bằng cách nào?
Trả lời những trăn trở ấy, Chủ tịch UBND phường Võ Quang cho rằng: Trước năm 1998, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND tỉnh trực tiếp cấp. Thời điểm đó, tổ 14 thưa dân hơn bây giờ nên họ không mặn mà với việc làm sổ đỏ, nay thì dính quy hoạch, không có căn cứ nào để đền bù. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân, khi giải tỏa, phường sẽ kiến nghị tỉnh hỗ trợ cho họ khi làm nhà ở nơi ở mới. Bên cạnh đó, sẽ căn cứ trên hồ sơ và trích lục trước năm 1975 để đối chiếu, so sánh với gốc đất (đất ở hay nông nghiệp) để có chính sách hỗ trợ thỏa đáng. Về việc nộp thuế, các hộ dân tự kê khai, tự nộp, nhưng phần lớn người dân không thực hiện.
| |
Hà Minh