Từ bao lâu nay, ở ấp Bến Cầu, xã Biên Giới, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh có địa danh Gò Tháp nhưng do bàn tay tàn phá của con người nên nơi đây hiện chỉ còn lại một phế tích hoang tàn cùng những câu chuyện kỳ bí xung quanh ngôi tháp cổ và đang cần có sự vào cuộc của ngành chức năng.
Từ trụ sở UBND xã Biên Giới, đi theo con đường đất đỏ vòng vèo phía sau chợ Biên Giới khoảng 3km là đến một ngã ba nhỏ. Quẹo phải vào con đường đất nhỏ ấy chừng 20m là thấy ngôi miếu nhỏ nằm im lìm dưới tán cây bồ đề. Dưới hai gốc bồ đề có hai tảng đá xanh, mỗi tảng cao khoảng 0,8m, dài khoảng 1m và dày 0,4m. Trên bề mặt tảng đá có điêu khắc hoa văn, họa tiết và hình tượng Phật. Bên trên hai khối đá, người dân địa phương đặt một số khung hình Quan Công, tượng Phật Bà Quan Âm... để thờ cúng.
Họa tiết, hình tượng Phật khá tinh xảo trên bề mặt của một trong hai khối đá còn sót lại. Ảnh: CẨM TIÊN
Trên thềm của ngôi miếu còn có khối đá hình tròn, đường kính khoảng 20cm, cao 30cm, trông giống hình tượng Linga thường thấy trong các ngôi tháp được xây dựng từ thời văn hóa Óc Eo, có niên đại từ thế kỷ II trước Công nguyên đến thế kỷ XII sau Công nguyên, tương tự như tháp cổ Bình Thạnh (xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng) và tháp Chót Mạt (xã Tân Phong, huyện Tân Biên) của Tây Ninh.
Ông Bùi Văn Sót, người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Biên Giới này và căn nhà của vợ chồng ông ở sát bên gò đất, nơi trước đây có ngôi tháp.
Theo lời lão nông 95 tuổi này kể, ngôi tháp không phải ở vị trí ngôi miếu hiện tại mà tọa lạc ở phía bên kia con đường đất đỏ, cách xa ngôi miếu hàng chục mét. Chỉ về phần đất gò trước nhà, ông Sót kể, từ nhỏ ông đã nhìn thấy ngôi tháp sừng sững trước cửa nhà mình, cao khoảng 4m. Bên trong ngôi tháp có khoảng không gian rộng và vào những ngày lễ, tết có rất nhiều người mang lễ vật đến đây cúng viếng.
Những năm đầu sau ngày Tây Ninh giải phóng, ngôi tháp vẫn còn nguyên vẹn. Sau đó, có một số người lạ đến đây đập phá ngôi tháp để tìm vàng. Không biết họ có tìm thấy vàng không, nhưng ngôi tháp bị đập phá tan tành, tượng Phật bị bỏ lăn lóc.
Từ khi ngôi tháp không còn, gò đất này trở nên hoang tàn, cây cối mọc um tùm, ít ai dám vô ra nơi gò đất cao này nữa. Bẵng đi thời gian khá lâu, có một Việt kiều Campuchia (tên thường gọi Út Na) đến gò đất này khai hoang vỡ đất để trồng trọt. Sau khi ông Na qua đời, phần đất này do con rể của ông Na là ông Liền sử dụng.
Khi biết được ở xã mình từng có ngôi tháp cổ, Bí thư Đảng ủy xã Biên Giới Nguyễn Công Trung tỏ ra rất quan tâm. Ông Trung nói: “Thông qua báo chí, mong sao UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng khai quật Gò Tháp để biết rõ lịch sử vùng đất này. Nếu đúng ngôi tháp được xây dựng từ thời văn hóa Óc Eo thì đây là một di tích lịch sử có giá trị”.
Có thể khẳng định, dựa theo một số hiện vật còn sót lại và lời kể của những nhân chứng sống cho thấy, trên vùng đất gò này đã từng tồn tại một ngôi tháp cổ và nếu được khai quật hoặc phục dựng lại, sẽ giúp thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu rõ hơn về lịch sử của vùng đất Tây Ninh thời xa xưa.
ĐẠI DƯƠNG