Làng Tốt sau cơn sốt kỳ nam: Nếp nhà... xáo trộn

Lên đời nhờ trúng kỳ nam
Làng Tốt sau cơn sốt kỳ nam: Nếp nhà... xáo trộn

Làng Tốt, xã Ba Lế, huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) một thời gian dài xáo trộn vì trúng kỳ nam. Những chiếc xe hơi đắt tiền dập dìu lên xuống “săn” kỳ nam. Những tưởng kỳ nam đã đem đến cho làng Tốt một sinh khí mới khi những ngôi biệt thự tiền tỷ khang trang mọc lên, cái đói nghèo quanh năm đeo bám bị đẩy lùi. Vậy nhưng, 4 năm sau chúng tôi quay lại làng Tốt, cái dáng vẻ im lìm, yên bình nơi miền sơn cước không che giấu được một cơn “sốt” khác đang âm ỉ.

“Vua kỳ nam” Phạm Văn Xắc trước ngôi nhà sàn kiểu biệt thự của mình.

“Vua kỳ nam” Phạm Văn Xắc trước ngôi nhà sàn kiểu biệt thự của mình.

Lên đời nhờ trúng kỳ nam

Nhiều người còn nhớ cơn sốt kỳ nam tại thị trấn Ba Tơ vào tháng 9-2006. Khi đó, nhiều xe con từ khắp các nơi đêm ngày theo QL24 đổ về bên kia cầu Gầm chờ nguồn kỳ nam từ trong núi chuyển ra. Chỉ trong một tuần có trên 200 thương lái là những tay buôn chuyên nghiệp, những “ông trùm” buôn bán kỳ nam từ Sài Gòn, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng... đổ về.

Ngay góc thôn, những chiếc ô tô mang đủ loại biển số tụ tập gây nhốn nháo và mất trật tự cả khu vực. Những “ông trùm” ngầm ấn định chung để mua kỳ nam với giá kỷ lục: 700 triệu đồng/kg tại thị trấn Ba Tơ. Còn giá tại làng Tốt đã được nâng dần từ 2 triệu lên 10 triệu, 20 triệu, 100 triệu, rồi lên 200 triệu đồng/kg.

Đến giờ, ông Xắc vẫn không hiểu vì sao sau khi trúng kỳ nam, hai đứa con ông lại bỏ làng và trở nên hư hỏng. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Đến giờ, ông Xắc vẫn không hiểu vì sao sau khi trúng kỳ nam, hai đứa con ông lại bỏ làng và trở nên hư hỏng. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Chỉ có điều, kỳ nam là tài nguyên quý hiếm, nên theo quy định, nếu phát hiện cơ quan chức năng sẽ lập biên bản để thu hồi. Vì thế, mặc cho các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, thế nhưng họ chỉ mới xác nhận chuyện trúng kỳ nam là chuyện thật, còn số lượng kỳ nam là bao nhiêu thì chưa rõ.

Có người phỏng đoán tổng số kỳ nam đợt đó có thể lên đến 700kg (?!). Lại có nguồn thông tin cho rằng tối đa chỉ từ 200 đến trên 200kg, trong đó ông Phạm Văn Xắc ở làng Tốt đã lấy được 8 gùi, một vài người trong xã Ba Lế lấy được vài ba gùi. Nếu tính tối đa 20kg/gùi thì tổng số kỳ nam đã thu hoạch khoảng đó.

Tính theo thời giá lúc đó, tại làng Tốt đang sở hữu tài sản quy ra tiền khoảng 150 tỷ đồng. Và người dân nơi đây đã làm gì với khoản tiền từ “trên trời rơi xuống” này?...

Thực tế là làng Tốt sau khi trúng kỳ nam đã lột xác với những ngôi biệt thự khang trang. Hàng chục ngôi nhà sàn kiểu mới, kết cấu bê tông cốt thép, nằm rải dọc theo đường.

Nổi bật trong số đó là ngôi biệt thự của ông Phạm Văn Xắc, được dân làng gọi “vua kỳ nam”. Ông Xắc là người đầu tiên khui trúng kỳ nam, lô hàng của ông bán thẳng cho một thương nhân Đài Loan tại TPHCM với giá hàng chục tỷ đồng.

Ngôi nhà cất trên ngọn đồi cao chót vót ở cuối làng trị giá trên 2 tỷ đồng, với lối kiến trúc nửa biệt thự, nửa nhà sàn, tổng diện tích 340m², có 67 cánh cửa bằng gỗ lim hoặc gõ loại đắt tiền; 38 cây trụ; sàn và tường nhà đều lót bằng gạch men, lan can bên ngoài bằng inox sáng chói.

Để có mặt bằng làm nhà, già Xắc bỏ ra số tiền khá lớn thuê xe xúc dưới xuôi lên san phẳng mỏm quả đồi. Bởi vậy, nhà già Xắc trở thành nơi duy nhất trong làng có sân rộng có thể tụ tập dân làng. Nhiều người còn rỉ tai nhau là ngoài việc xây nhà, già Xắc còn tậu cho đứa con trai đang ở thị trấn Ba Tơ một căn nhà gần tỷ bạc và một chiếc ô tô đời mới.

Năm 2007, đoạn đường sang làng Tốt được khai thông thay vì trước đó phải băng qua nhánh sông Liêng. Ngoài ngân sách nhà nước bỏ ra làm đường, người dân làng Tốt cũng đóng góp vào đó.

Những hệ lụy buồn

Những ngày cuối năm 2009, khi mùa xuân đã báo hiệu trên những bông hoa lạ nơi những cánh rừng xanh thẳm, chúng tôi về lại làng Tốt. Buổi trưa, làng Tốt vắng tanh, chỉ có tiếng khóc của trẻ con hòa lẫn tiếng suối róc rách chảy.

Chị Phạm Thị Triều, nhà ở lưng chừng ngọn núi cuối làng Tốt, tựa cửa nhìn về xa xăm, nét mệt mỏi, xanh xao của người phụ nữ mới qua kỳ sinh nở. Bữa trưa của gia đình chị Triều chỉ có cơm với nước mắm, gần chục người quây quanh bếp lửa cùng ăn. Ăn xong, chị Triều đứng dậy lấy tấm vải lớn làm địu, để địu con, rồi bảo phải đi ruộng cấy lúa.

Bóng người thiếu phụ trẻ trên lưng địu đứa con mới tròn 1 tháng tuổi khuất dần sau ngọn núi, trong ánh nắng chiều xiên nghiêng sao trông rất cô quạnh và buồn bã.

Chị Triều là con lớn trong gia đình H’re nghèo, quanh năm chỉ biết đi rẫy kiếm củi, hái rau, bắt ốc và đã từng được một người con trai cùng làng để mắt, hai bên gia đình đã làm đám hỏi, chỉ chờ ngày cưới. Thế rồi khi trong làng có người trúng kỳ nam, các đại gia khắp nơi đổ về đã “cuốn” cuộc đời chị Triều theo một ngã rẽ khác.

Chị Triều rời làng Tốt xuống phố. Và rồi chuyện gì đến đã đến... Chị có thai, sinh con mà chưa từng một lần làm cô dâu. Chị bảo: “Mình sinh con chưa biết lấy gì nuôi nó nữa. Sắp tết rồi, nhưng cha nó chắc không về thăm nó, thăm cái làng này nữa đâu”.

Ngoài chị Triều, còn có 2 phụ nữ khác sau khi đoàn người kỳ nam xuống núi, đã sinh và nuôi con trong thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu hình bóng của những người đàn ông, như những “ngôi nhà không có nóc”!

Ngôi nhà mới xây trị giá bạc tỷ nổi bật nằm chênh vênh trên lưng chừng núi của cha con ông Phạm Văn Xắc cửa đóng then cài trong cái tĩnh mịch của núi rừng. Sau khi trúng kỳ nam, chẳng hiểu vì lý do gì hai người con của ông Xắc (một trai, một gái) người bỏ vợ, kẻ bỏ chồng đi tìm hạnh phúc mới với người làng khác.

Con cái thì họ để lại cho vợ chồng ông Xắc nuôi, thỉnh thoảng họ mới về thăm con.

Những tưởng trúng kỳ nam dân làng Tốt sẽ no cái bụng, nhưng giờ cái bụng vẫn đói, gạo ăn bữa có bữa không.

Những tưởng trúng kỳ nam dân làng Tốt sẽ no cái bụng, nhưng giờ cái bụng vẫn đói, gạo ăn bữa có bữa không.

Ở làng Tốt còn có một gia đình khác ngay đầu làng, sau khi có tiền tỷ từ kỳ nam, những đứa con trong nhà bắt đầu mon men xuống phố trên những chiếc xe đắt tiền, điện thoại di động hàng xịn, lân la vào các nhà hàng, vũ trường, nhuộm tóc đủ màu với những ngày tháng ăn chơi xa xỉ.

Trong số đó có người con trai tên Phạm Văn L. mới đây đã phát hiện bị nhiễm HIV/AIDS. Còn người con gái tên Phạm Thị Lúi thì đi biền biệt, thi thoảng mới về làng.

Theo lời kể của chị chủ quán giữa làng Tốt, mỗi khi Lúi về thường đến quán chị uống rượu, nói một câu mà pha đến hai ba thứ tiếng, H’re pha tiếng Tây. Mẹ Lúi khuyên nhủ nhưng Lúi không nghe. Về được vài hôm là Lúi lại vội vã đi ngay. Theo gót Lúi, còn có 4 thiếu nữ trẻ khác của làng Tốt cũng ra đi...

Làng Tốt có 2 thôn, gồm Mang Cà Rúi và Vãi Lếc, cách thị trấn Ba Tơ khoảng 30km, nằm giáp giới với huyện vùng cao An Lão của tỉnh Bình Định, có 78 hộ dân, hầu hết là hộ nghèo. Hiện tại làng Tốt còn “trắng” điện.

Hôm chúng tôi lên làng Tốt đúng vào dịp thành lập chi bộ thôn Mang Cà Rúi - xóa tình trạng thôn “trắng” chi bộ của huyện Ba Tơ. Chi bộ có 5 đảng viên, trong đó chỉ có 2 đảng viên là người địa phương, 3 đảng viên còn lại chuyển sinh hoạt từ chi bộ khác về.

Ông Chủ tịch UBND xã Ba Lế, Đinh Văn Nấu, nói với chúng tôi: “Vài tháng cán bộ xã mới lên làng Tốt một lần. Vì thế tình hình kinh tế - xã hội ở đây nhiều khi cán bộ nắm bắt không kịp thời. Xã hy vọng sau khi thành lập chi bộ rồi sẽ tạo chuyển biến mới cho làng Tốt”.

Ở làng Tốt có một điểm trường gồm hai cấp học mầm non và tiểu học. Các em học sinh sau khi học hết tiểu học hầu hết là nghỉ ở nhà.

“Cơn sốt kỳ nam qua đi, để lại cho làng Tốt nhiều “vấn đề” cần giải quyết. Chúng tôi cũng đang “sốt” lên đây, nhưng không phải “sốt” kỳ nam nữa, mà là sốt… ruột để giải quyết và tìm ra hướng đi phù hợp cho làng Tốt tốt hơn” - Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Nấu thổ lộ khi chúng tôi rời Ba Lế trong ánh chiều đã tắt sau ngọn núi Pét!

Hà Minh

Tin cùng chuyên mục