Làng văn hóa dân tộc… nào?

Chuyện ở khu du lịch Đồi Mộng Mơ (Đà Lạt, Lâm Đồng) xây hẳn một “Vạn lý Trường thành” dài vài trăm mét, có cả đội quân tượng lính Tần Thủy Hoàng hùng hậu và cạnh đó là nhà trưng bày và biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên cho khách du lịch… khiến nhiều người sững sờ.

Chúng ta không phủ nhận những giá trị văn hóa nhân loại nhưng những giá trị ấy phải được đặt trong một bối cảnh chung và phù hợp với không gian văn hóa. Nếu được như vậy, những giá trị văn hóa ấy mới thực sự trở thành món ăn tinh thần quý giá, mang tính giáo dục cao cho giới trẻ nói riêng và khách du lịch nói chung. Cách làm này có thể tìm thấy tại nhiều khu du lịch ở nhiều nước, đặc biệt là khu vực châu Á.

Tiếc rằng, cách làm “làng văn hóa dân tộc” ở khu du lịch Đồi Mộng Mơ không đến nơi đến chốn, mang tính học đòi, tạo sự phản cảm cho nhiều người, đặc biệt là khách du lịch và cả người dân địa phương. Ngay tại lối vào “Vạn lý” này, trớ trêu hơn, người ta lại gắn cho nó tấm biển “Làng văn hóa dân tộc”. Làng văn hóa dân tộc… nào? Nên hiểu ý đồ của những người thiết kế, xây dựng công trình văn hóa này như thế nào?

Cứ nhìn Thái Lan làm du lịch mới hiểu vì sao du khách cứ đổ xô đến Thái Lan. Người ta đều đưa du khách đến với những nơi mang đậm màu sắc Thái như chùa Phật ngọc, Hoàng Cung, làng văn hóa dân tộc Noong Nuch… Còn cách làm “Vạn lý” ở Đồi Mộng Mơ như một kiểu a dua từ phim ảnh.

Sao không thay “Vạn lý” bằng làng văn hóa của những dân tộc Tây Nguyên với những khung dệt thổ cẩm lạ mắt, những món ăn dân dã mà lạ miệng, những bài thuốc độc đáo mà người Tây Nguyên vẫn thường dùng?

Hay tái hiện hình ảnh của Yersin khi đặt bước chân đầu tiên đến cao nguyên Langbian? Tại sao, tại sao…? Hàng loạt câu hỏi cần được đặt ra với những người làm du lịch ở Đồi Mộng Mơ nói riêng, Đà Lạt nói chung.

Thiết nghĩ, tiềm năng du lịch ở Đà Lạt rất lớn nhưng chưa được đầu tư đúng mức, thậm chí đầu tư lệch hướng như cách làm ở Đồi Mộng Mơ. Khách đi du lịch không đơn thuần giải trí mà còn tìm kiếm những giá trị văn hóa, nâng cao kiến thức, tầm nhìn.

Nhìn “Vạn lý” ở Đồi Mộng Mơ, người ta vừa xót cho những người mang danh làm du lịch - văn hóa, vừa đau, như cách nói của một tác giả, “Vạn lý” thì xây vài trăm mét còn cha ông ta có bao nhiêu thành lũy, đền đài thì không xây nổi một mét. Đau! Lãnh đạo Đà Lạt, Lâm Đồng nên sớm kiểm tra và chấn chỉnh cách làm du lịch này…  

THANH PHONG
(Phường 6 quận 3)

Tin cùng chuyên mục