Lành mạnh hoạt động từ thiện

Chỉ có minh bạch mới góp phần đưa hoạt động từ thiện trở nên lành mạnh, từ đó trả lại niềm tin cho những tấm lòng thiện nguyện, để mỗi khi mở lòng nhường cơm sẻ áo, sẻ chia với tổn thương, mất mát với người xung quanh không ai trong chúng ta còn phải phân vân, nghi ngại. Đừng để làm một việc tốt, điều tử tế cũng trở thành khó khăn!
Ảnh chụp màn hình bài viết được đăng trên tài khoản “bác sĩ Khoa”
Ảnh chụp màn hình bài viết được đăng trên tài khoản “bác sĩ Khoa”

Việc văn phòng Cơ quan CSĐT (Công an TPHCM) vừa gửi công văn tới Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an TPHCM và công an 21 quận huyện, TP Thủ Đức về việc kiểm tra, rà soát, cung cấp thông tin về việc tiếp nhận, tố giác về tội phạm liên quan đến các cá nhân kêu gọi, quyên góp tiền từ thiện... cho thấy: Đây là động thái cho thấy sự vào cuộc quyết liệt sau khi Bộ Công an tiếp nhận đơn tố cáo yêu cầu làm minh bạch chuyện huy động từ thiện và làm từ thiện của một số cá nhân nghệ sĩ mới đây.

Hy vọng, sau những ồn ào, tranh cãi liên tục trên mạng xã hội suốt thời gian dài vừa qua, câu chuyện sẽ sớm có hồi kết minh bạch.

Thế nhưng, câu chuyện không chỉ dừng ở các nghệ sĩ. Thời gian qua, dư luận và báo chí cũng liên tục lên tiếng, bức xúc, đặt nghi vấn về hoạt động từ thiện của một số tổ chức, cá nhân như Nhóm 82 và tài khoản Facebook Jang Kều (sáng lập và là Chủ tịch Quỹ Sống Foundation) liên quan đến câu chuyện bịa đặt về “bác sĩ Khoa” hay Nhóm Giang Kim Cúc và cộng sự liên quan đến những khuất tất trong câu chuyện “bà ngoại rút ống thở của cháu” cùng rất nhiều tố cáo khác như việc không minh bạch, nhập nhèm trong vấn đề chi tiêu từ tài sản quyên góp... của nhóm này.

Thời gian qua, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, các hoạt động từ thiện tự phát cũng nở rộ. Tất nhiên, hoạt động từ thiện luôn là điều đáng quý. Người Việt luôn có lòng trắc ẩn và thương người, trước một hoàn cảnh ngặt nghèo, một mảnh đời bất hạnh, một trường hợp thương tâm sẽ luôn sẵn sàng chìa tay san sẻ. Nhưng, với sự khó kiểm soát của mạng xã hội, hoạt động từ thiện thông qua không gian mạng cũng ngày càng biến tướng và khó kiểm soát dẫn đến sự mất niềm tin của cộng đồng.

Trong bối cảnh đó, việc công an vào cuộc điều tra là điều cần thiết, không chỉ với các nghệ sĩ bị tố cáo nói trên mà còn cả đối với các cá nhân, tổ chức, nhóm từ thiện dính vào những lùm xùm thời gian qua như Nhóm 82, Nhóm Giang Kim Cúc và cộng sự, Jang Kều... 

Bởi dư luận rất hoang mang trước việc sau khi báo chí đồng loạt lên tiếng và dư luận cực kỳ bức xúc nhưng đến nay vẫn chưa thấy có động thái xử lý tiếp theo. Làm rõ hoạt động từ thiện của những đối tượng trên, không chỉ là sự minh bạch và trả lại niềm tin cho những người đã ủng hộ từ thiện mà còn là sự sòng phẳng cần thiết với chính họ. Nếu họ sai phạm cần phải xử lý nghiêm nhưng nếu họ hoạt động nghiêm túc, vô vụ lợi, cần phải trả về sự ghi nhận mà họ xứng đáng nhận được. 

Ngoài ra, từ quá nhiều những bất cập và điều tiếng trong hoạt động từ thiện vừa qua cho thấy, đã đến lúc không thể chỉ đuổi theo xử lý vụ việc mà cần có những giải pháp căn cơ hơn.

Ở đây là hành lang pháp lý và cơ chế giám sát cho hoạt động từ thiện nói chung, trong đó có các hoạt động từ thiện thông qua mạng xã hội, đặc biệt là các hoạt động từ thiện mang màu sắc chuyên nghiệp nhưng lại được vận động quyên góp thông qua danh nghĩa và tài khoản cá nhân. 

Chỉ có minh bạch mới góp phần đưa hoạt động từ thiện trở nên lành mạnh, từ đó trả lại niềm tin cho những tấm lòng thiện nguyện, để mỗi khi mở lòng nhường cơm sẻ áo, sẻ chia với tổn thương, mất mát với người xung quanh không ai trong chúng ta còn phải phân vân, nghi ngại. Đừng để làm một việc tốt, điều tử tế cũng trở thành khó khăn!

Tin cùng chuyên mục