Lành mạnh môi trường học đường

Thời gian qua, dư luận xã hội rất băn khoăn, lo ngại khi thấy xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường. Nhiều bạn đọc đã bức xúc gửi thư về Báo SGGP phân tích về vấn đề này và bàn giải pháp chấn chỉnh, làm lành mạnh môi trường học đường. Báo SGGP trích đăng ý kiến của thạc sĩ Nguyễn Văn Công và giảng viên tâm lý Lê Phạm Phương Lan.
Lành mạnh môi trường học đường

LTS: Thời gian qua, dư luận xã hội rất băn khoăn, lo ngại khi thấy xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường. Nhiều bạn đọc đã bức xúc gửi thư về Báo SGGP phân tích về vấn đề này và bàn giải pháp chấn chỉnh, làm lành mạnh môi trường học đường. Báo SGGP trích đăng ý kiến của thạc sĩ Nguyễn Văn Công và giảng viên tâm lý Lê Phạm Phương Lan.

        Thạc sĩ NGUYỄN VĂN CÔNG (Biên Hòa, Đồng Nai): Mỗi nhà giáo phải thực sự mẫu mực

Bạo lực học đường là sự cảnh báo tình trạng đạo đức xuống cấp nghiêm trọng trong ngành giáo dục. Cần phải có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả, bền vững ngay từ gốc rễ của vấn đề. Những vụ bạo lực học đường gần đây cho thấy việc giải quyết mối quan hệ thầy trò còn nhiều lỗ hổng. Đạo thầy không ra đạo thầy, đạo trò không ra đạo trò.

Đối với người thầy, việc xúc phạm đến thân thể và tinh thần học sinh là điều không được phép. Ngày xưa, thầy cũng đánh phạt trò, như dùng thước đánh vào tay, bắt học trò phải đứng úp mặt vào tường…, nhưng đó là phương pháp giáo dục nhằm hướng đến sự hoàn thiện nhân cách cho trò, qua đó trò càng tâm phục người thầy của mình. Còn ngày nay, có những vụ thầy đánh trò không còn nghĩa là “thương cho roi cho vọt” mà có dấu hiệu của hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật, chuyện thầy túm tóc tát tai học trò, đấm đá học trò liên tiếp đến mức gây chấn thương đã từng xảy ra tại một số trường phổ thông. Và chuyện trò đánh thầy, là chuyện vô đạo, đi ngược lại với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, cũng đã xảy ra. Song, nếu như người thầy là một nhân cách mẫu mực, yêu thương và hết lòng vì học trò thì chắc chắn không có chuyện trò đánh thầy.

Vì vậy, ở đây tôi muốn đề cập vấn đề giáo viên cần phải có những kỹ năng ứng xử sư phạm khéo léo trong quan hệ thầy - trò. Trong quá trình dạy học, giáo viên cần đặt mình vào vị trí người học. Muốn dạy học hiệu quả, trước hết phải hiểu được đời sống tâm hồn học trò. Điều này luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, không ít giáo viên còn xem nhẹ. Mỗi học sinh là một thế giới riêng với những đặc điểm về nhận thức, sở trường, nhu cầu, hứng thú, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình… Cần phải hiểu học trò, khám phá đời sống học trò, để biết được học trò đang có những khó khăn gì, vấn đề gì bức xúc chưa được giải quyết… Từ đó người dạy sẵn sàng làm điểm tựa tinh thần vững chắc để học trò có thể vượt qua. Những vụ học trò đánh thầy trong thời gian qua có nhiều lý do, trong đó có việc giáo viên cho điểm thấp phải thi lại, giáo viên ghi tên khi điểm danh vắng mặt, học sinh quậy phá trong lớp… Song nếu như mỗi giáo viên có sự quan tâm đặc biệt, thường xuyên chia sẻ với học sinh dựa trên nguyên tắc “tôn trọng và yêu cầu cao” thì chắc chắn những quy định nghiêm ngặt sẽ giúp người học biết chấp nhận và quyết tâm vượt qua. Trước hết bản thân người thầy phải luôn tu dưỡng đạo đức, nâng cao năng lực chuyên môn, luôn phải là tấm gương sáng về mọi mặt. Mỗi nhà giáo cần phải suy nghĩ rằng: không có học trò hư mà chỉ có nhà giáo chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Muốn có đạo trò tốt, trước hết thầy phải mẫu mực.

Giáo viên phải am hiểu đời sống tâm hồn học trò để dạy học hiệu quả. Ảnh: THANH PHƯƠNG

Giáo viên phải am hiểu đời sống tâm hồn học trò để dạy học hiệu quả. Ảnh: THANH PHƯƠNG

        Giảng viên LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (ĐH Nguyễn Huệ): Xem lại cách đào tạo giáo viên

Qua những vụ bạo lực học đường đã xảy ra, ngành giáo dục cần phải nghiêm túc xem xét lại chất lượng đào tạo giáo viên sư phạm. Thực tế có tình trạng sinh viên các trường sư phạm vẫn còn hời hợt kiến thức về tâm lý học, giáo dục học và giao tiếp sư phạm. Hiện nay, các môn tâm lý học, giáo dục học, giao tiếp sư phạm… chỉ là môn phụ. Trong quá trình học, các sinh viên sư phạm không có thời gian thực hành, không được tổ chức các hoạt động để ứng dụng các kiến thức đó vào giải quyết vấn đề. Và vì vậy, học xong là quên ngay. Sau khi ra trường, các giáo viên thiếu rất nhiều kiến thức về nghiệp vụ mà chỉ chú trọng vào kiến thức chuyên môn. Từ sự thiếu hiểu biết, dễ dẫn đến việc ứng xử thiếu tính sư phạm, sai quy luật, sai nguyên tắc giáo dục. Khi có tình huống xảy ra thì họ lúng túng, dẫn đến thiếu kiềm chế và ứng xử thô bạo với người học, vi phạm tư cách nhà giáo. Thực tế có vô số kỹ năng ứng xử sư phạm, bản thân người dạy phải biết vận dụng một cách khoa học và sáng tạo với từng đối tượng, tình huống cụ thể, nhưng họ phải được trang bị những kỹ năng cơ bản nhất, như: kỹ năng kiềm chế cảm xúc, kỹ năng hiểu học sinh, kỹ năng dùng ngôn ngữ, kỹ năng lắng nghe… để khi có tình huống thì họ có thể vận dụng nhanh chóng mà không vi phạm nguyên tắc.

Do đó, theo tôi ngành giáo dục cũng cần nghiên cứu trang bị cho sinh viên sư phạm những kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ, tăng cường số tiết đối với các môn nghiệp vụ. Có thể đưa thêm tâm lý học lứa tuổi trở thành một môn học chính thống cho tất cả sinh viên sư phạm. Đồng thời, trong quá trình học và sau khi kết thúc môn học cần phải quan tâm hơn đối với việc tổ chức ứng dụng vào trong hoạt động sư phạm. Đánh giá kết quả đi kiến tập, thực tập sư phạm, cần đặc biệt chú trọng tiêu chí về kỹ năng sư phạm cũng như ứng xử sư phạm, để từ đó phân loại và tiếp tục bồi dưỡng cho sinh viên. Ngành giáo dục cần phải xem lại cách đào tạo cũng như việc tuyển chọn sinh viên sư phạm sao cho họ thực sự yêu mến nghề sư phạm, từ đó mới có thể trở thành nhà sư phạm mẫu mực.

Tin cùng chuyên mục