Lành mạnh thị trường truyền hình xuyên biên giới

Trong phát biểu nhận nhiệm vụ vào đầu tuần qua, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cam kết góp phần sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để tháo gỡ khó khăn, tạo thêm nguồn lực, tạo sự bứt phá cho các đối tượng quản lý, thiết lập sự công bằng trong đối xử giữa các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền tảng Internet xuyên biên giới.

Trước hết, đây là nhiệm vụ quan trọng của Bộ TT-TT cũng như các cơ quan chức năng hiện nay. Bởi các dịch vụ xuyên biên giới vốn được xem là nền tảng cho việc phát triển kinh tế số và xã hội số - điều mà Việt Nam đang hướng đến và tập trung phát triển.

Lấy dịch vụ truyền hình qua Internet (OTT TV) làm ví dụ. Theo số liệu của Bộ TT-TT, Việt Nam có khoảng 16,8 triệu thuê bao truyền hình trả tiền và có mức doanh thu trên 9.000 tỷ đồng trong năm 2021. Hiện 50 doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền. Số kênh truyền hình trong nước là 196 và 70 kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép biên tập. Đến hết quý II-2022, thị trường truyền hình trả tiền có mức tăng trưởng về doanh thu xấp xỉ 9,5% so với cùng kỳ 2021. Cơ quan quản lý cũng cho biết, doanh thu đối với dịch vụ  OTT TV xuyên biên giới tăng trưởng xấp xỉ tới 300% so với cùng kỳ 2021.

Trong khi đó, các dịch vụ OTT TV xuyên biên giới vào Việt Nam lại chưa chịu sự quản lý chặt chẽ và lượng thuê bao liên tục tăng. Số liệu Bộ TT-TT cho biết, năm 2021, tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua Internet của các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, Apple TV, WeTV đang cung cấp tại Việt Nam là khoảng 1 triệu thuê bao, doanh thu ước tính gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó Netflix có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

Hồi tháng 5-2022, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam tiếp tục kiến nghị siết chặt quy định quản lý đối với các dịch vụ OTT xuyên biên giới. Theo đó, các dịch vụ xuyên biên giới cần thực hiện thủ tục đăng ký cấp phép hoạt động, kiểm duyệt theo quy định; phải “tiền kiểm” trước khi nội dung được phát sóng hoặc đưa lên Internet nhằm đảm bảo thống nhất sự quản lý của nhà nước về nội dung truyền hình, phim ảnh giống như các đơn vị cung cấp dịch vụ OTT trong nước. Dịch vụ xuyên biên giới cũng cần kê khai doanh thu phát sinh tại Việt Nam; áp dụng biện pháp kỹ thuật kèm chế tài đủ mạnh để kiểm soát việc tuân thủ các quy định kiểm duyệt nội dung. Đồng thời, đưa các dịch vụ OTT xuyên biên giới vào danh mục kiểm soát đặc biệt.

Theo Bộ TT-TT, dự kiến từ năm 2023, các quy định mới sẽ cho phép xử lý sự bất cập hiện nay, buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT TV của nước ngoài phải tuân thủ quy định như doanh nghiệp trong nước. Các quy định mới sẽ thúc đẩy thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền phát triển và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; cũng như các dịch vụ xuyên biên giới thời đại số nói chung.

Tin cùng chuyên mục