Lao đao phá Tam Giang

Hơn 30 vạn dân tại vùng đầm phá nước lợ Tam Giang - Cầu Hai đang lao đao vì đối diện với hiện tượng biến đổi khí hậu làm nước cạn, sinh vật bị hủy hoại... Tuy nhiên, chính người dân cũng là một trong những thủ phạm góp phần biến đổi sự đa dạng tự nhiên của vùng đầm phá lớn nhất và độc đáo nhất Đông Nam Á.
Lao đao phá Tam Giang

Hơn 30 vạn dân tại vùng đầm phá nước lợ Tam Giang - Cầu Hai đang lao đao vì đối diện với hiện tượng biến đổi khí hậu làm nước cạn, sinh vật bị hủy hoại... Tuy nhiên, chính người dân cũng là một trong những thủ phạm góp phần biến đổi sự đa dạng tự nhiên của vùng đầm phá lớn nhất và độc đáo nhất Đông Nam Á.

  • Nhiều loại thủy sản biến mất

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai kéo dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam dọc theo bờ biển với chiều dài 68km, diện tích mặt nước 216km2 thuộc địa phận các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nơi đây được ví như Bảo tàng đa dạng sinh học lớn nhất Đông Nam Á với 938 loài/1.000 loài phát hiện đã được đặt tên.

Trên đầm lầy cỏ và thảm cỏ biển đặc thù có nhiều loài chim định cư, di cư trú ngụ, trong đó 21 loài được ghi vào danh mục bảo vệ nghiêm ngặt của Cộng đồng châu Âu. Ngoài ra, phá Tam Giang - Cầu Hai còn có giá trị về giao thông - cảng, điều hòa khí hậu hạn chế lũ lụt...

Trong chiến lược phát triển lâu dài về du lịch, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chọn vùng đầm phá này để phát triển các loại hình du lịch sinh thái. Tuy nhiên, tác động tự nhiên và con người thời gian qua khiến hệ thống đầm phá này bị ô nhiễm, nghiêm trọng nhất là ô nhiễm từ chất thải và nhiễm dầu làm thay đổi lớn diện tích mặt nước, làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy hải sản.

Thống kê của Sở NN-PTNT Thừa Thiên - Huế, sản lượng khai thác thủy sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai giảm mạnh. Từ 4.500 tấn/năm trước năm 1980 dao động xuống còn 2.000-3.000 tấn/năm từ năm 1990-2010. Đặc biệt, cuộc sống 30 vạn dân với tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên 2,6%/năm gắn chặt với việc khai thác tài nguyên đầm phá bằng hai nhóm nghề.

Ngư dân nuôi trồng thủy sản vớt cá mú chết trắng vì phá Tam Giang - Cầu Hai nhiễm mặn.

Ngư dân nuôi trồng thủy sản vớt cá mú chết trắng vì phá Tam Giang - Cầu Hai nhiễm mặn.

Nghề khai thác cố định gồm nò sáo, đáy rớ... không chỉ gây cản trở giao thông, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản. Khẩu độ mắt lưới nò sáo dưới 5mm bắt được tất cả những loài tôm, cá mới sản sinh. Nhóm nghề khai thác lưu động cũng làm ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản không kém gồm te máy, giã, lưới rê 3 lớp càn quét cá con trong đầm.

Nhưng nguy hiểm hơn là việc ngư dân xung điện và chất nổ đánh bắt thủy hải sản đã tận diệt mọi sinh vật sống xung quanh. Một số loài cho giá trị kinh tế cao như cá que hương, cá vuợc, cá me, cá liệt, tôm bạc... ngày một ít đi, một số loài đặc thù khác như cá sơn, cá móm hầu như không còn xuất hiện.

Hơn mười năm trở lại đây, phá Tam Giang - Cầu Hai còn bị “phong trào” nuôi tôm lấn chiếm với hơn 3.000ha mặt nước phục vụ việc nuôi tôm hạ triều và nuôi chắn sáo. Mỗi vụ tôm, đầm phá phải hứng chịu hàng triệu mét khối nước thải. Hậu quả trước mắt là vào năm 2010, lần đầu tiên ngư dân nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang phải di chuyển khẩn cấp hơn 900 lồng nuôi cá từ phá sang sông Ô Lâu tránh nạn.

Nguyên nhân, ngay từ đầu năm 2010, nước mặn xuất hiện trên phá Tam Giang với độ mặn đo được tại các vùng như Thuận An, Vinh Hiền và Hải Dương lên đến hơn 15%o trong khi cùng kỳ mọi năm là chưa đến 10‰. Từ năm 2000 đến nay, ao tôm đã phát triển rất nhanh. Các lớp ao ở vùng Sịa, Quảng Phước, huyện Quảng Điền chồng lên nhau và dày tới cả kilômét từ trong bờ ra gần tới giữa phá. Những khó khăn và thất bại do biến đổi cực đoan của chất lượng nước trên phá Tam Giang - Cầu Hai khiến nhiều người dân phải chuyển qua nuôi cá xen ghép nhưng điều này không dễ vì cần có quy hoạch vùng nuôi trồng cụ thể và vốn, kỹ thuật.

  • Thích nghi trong khó khăn

Tam Giang - Cầu Hai là hệ đầm phá có sự phát triển và biến đổi rất phức tạp và trải qua nhiều giai đoạn khác nhau đã ảnh hưởng lớn tới hệ sinh thái tự nhiên trong đầm. Đặc biệt, sự bồi lấp cửa, chuyển mở cửa đột ngột của phá Tam Giang - Cầu Hai do thời tiết bất thường là những tai biến gây hậu quả nặng nề về môi trường, sinh thái, thiệt hại lớn về dân sinh, kinh tế và tạo ra trạng thái phát triển không bền vững ở vùng ven bờ.

Ngoài ra, thời tiết cực đoan do tác động từ biến đổi khi hậu gây lũ lớn, bão lốc, sóng bão lớn còn làm cho nhiều đầm phá Tam Giang - Cầu Hai bị ngọt hóa và mặn hóa. Tác động phức tạp của tự nhiên và con người thông qua việc khai thác không bền vững, ô nhiễm môi trường… khiến nguồn lợi thủy sản tại các vùng đầm phá ven biển đã và đang suy giảm. Vì vậy, một kế hoạch mang tầm chiến lược mà tỉnh Thừa Thiên - Huế đang triển khai là thành lập các khu bảo vệ thủy sản trên hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Đến nay, đã có 4 khu Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền. Mục tiêu là khắc phục tình trạng đánh bắt quá mức; bảo vệ, phục hồi nguồn giống, nguồn gen, duy trì và phát triển nguồn lợi; bảo vệ, phục hồi từng bước môi sinh, đa dạng sinh học...

Trong vài năm tới, ngành sẽ tổ chức quy hoạch thêm 15-20 khu bảo tồn nguồn gen, đặc biệt chú trọng vùng sinh trưởng các loài cá đối, cá nâu, cá kình, cá vược, cá hồng… Nếu môi trường bền vững, giữ được đa dạng sinh học và bảo vệ tốt nguồn gen, đời sống cư dân ven phá sẽ khá lên. Tiếp đó, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh tổ chức trồng thử nghiệm cây ngập mặn bao gồm các loại sú, vẹt, đước và mắm tại đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc). Đây là mô hình thí điểm nhằm nhân rộng việc trồng cây ngập mặn trên địa bàn để bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học tại các cửa sông, cửa biển trước tác động của biển đổi khí hậu. 

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục