“Ra trường dễ có việc làm, thu nhập ổn định” - là những hứa hẹn quen thuộc trong mỗi mùa tuyển sinh của các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Thế nhưng, cuộc sống không chỉ toàn màu hồng: Cửa các trường luôn rộng mở nhưng ngày càng có ít học sinh chọn con đường học nghề làm hành trang vào đời, chưa kể số chọn rồi cũng sớm đứt gánh giữa đường.
“Chợ chiều” tuyển sinh
Sau khi các trường Đại học (ĐH) - Cao đẳng (CĐ) kết thúc thời hạn tuyển sinh, những tưởng những thí sinh rớt cả 3 nguyện vọng sẽ đổ dồn vào học nghề nhưng thực tế lại khác xa mong đợi. Các trường TCCN vẫn vắng vẻ, đìu hiu giống hệt cảnh… chợ chiều, trong khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa các trường sẽ kết thúc nhận hồ sơ tuyển sinh đợt 1.
Đơn cử như Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, một trường có tiếng trong lĩnh vực đào tạo lao động kỹ thuật lành nghề nhưng cũng vất vả trong tuyển sinh năm nay khi mới chỉ tuyển được 1.200 hồ sơ trong tổng số hơn 1.700 chỉ tiêu tuyển mới. Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn tuyển được 60% tổng chỉ tiêu, Trường Trung cấp Vạn Tường được hơn 50% chỉ tiêu, Trường Trung cấp Tin học Kinh tế Sài Gòn mới có khoảng 300 hồ sơ nộp vào trong khi chỉ tiêu tuyển gần 1.000 học sinh…
Bà Bùi Thị Nguyệt Ánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Vạn Tường, than thở: “Cách đây 5 năm, học sinh vào trường đông đến mức “đẩy” không ra, bây giờ thì phải “mót” từng học sinh. Qua sàng, qua nia chán rồi mới tới mình”. Lý giải cảnh này, bà Ánh cho rằng: “Với tâm lý chuộng bằng cấp, học sinh chỉ muốn học ĐH-CĐ. Hiện nay, có quá nhiều trường mọc lên, các trường ĐH-CĐ cũng đua nhau đào tạo hệ trung cấp khiến các trường như chúng tôi lao đao”.
Học sinh phân luồng cũng... bỏ cuộc
Tuyển sinh đã vất vả, giữ chân được các em theo học đến đích lại càng khó khăn. Hiệu trưởng một trường kể lại, cạnh nhà ông có một cậu học trò học xong lớp 9 phải nghỉ học vì không theo kịp chương trình phổ thông. Để giải tỏa lo lắng cho ba mẹ cậu bé, ông đã đưa cậu vào học nghề điện lạnh ở trường. Nhờ học đúng sở trường nên cậu học rất tốt.
Ông cho biết: “Cậu ấy ra trường có là có việc làm ngay với đồng lương khá cao. Những em học sinh như cậu học sinh đó sẽ theo nổi chương trình vì chưa có quy định phải học văn hóa 4 môn (toán, lý, hóa, văn) như bây giờ. Hiện nay, học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp đều phải học 1.200 tiết văn hóa nên hầu hết các em kham không nổi, phải bỏ học giữa chừng”. Đơn cử như Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, năm 2007 tuyển được 800 học sinh hệ THCS vào học nhưng đến nay rơi rụng chỉ còn 267 học sinh theo học. Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh cũng có 40% học sinh bỏ học giữa chừng, Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn tỷ lệ học sinh bỏ học gần 30%.
Lãnh đạo các trường cho rằng, nhiều học sinh sau phân luồng học nghề rất khá nhưng vì không đảm bảo yêu cầu đầu ra các môn văn hóa nên không có bằng tốt nghiệp. Trong giờ học văn hóa, các thầy cô phải áp dụng cách “vừa dạy vừa dụ”, bởi đến giờ học, nhiều học trò bỗng dưng… biến mất hoặc ngủ gục trên bàn.
Ông Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, cho biết: “Học sinh tốt nghiệp THCS phải học 3,5 năm nên 2 năm đầu, các em phải học dồn chương trình văn hóa của lớp 10, 11, 12. Do chỉ còn 1,5 năm học nghề nên các em rất đuối, nhiều em bỏ học là điều không tránh khỏi. Bắt đầu từ năm học này, chúng tôi phải tăng thời gian học cho HS hệ THCS lên 4 năm để giãn bớt thời gian học văn hóa cho các em”.
Nghịch lý cung cầu
Đã khó tuyển nhưng tuyển được thì tỷ lệ rơi rụng giữa chừng khá nhiều nên nhiều năm nay lại tái diễn tình cảnh bi đát: Trường nghề thiếu trò, doanh nghiệp cần thợ.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, băn khoăn: “Tại TPHCM, nhu cầu tuyển nhân lực ngày càng có yêu cầu cao về số lượng và trình độ chuyên môn kỹ thuật. Từ năm 2010-2015, mỗi năm, TPHCM có nhu cầu tuyển từ 280.000-300.000 chỗ làm, trong đó nguồn lao động có tay nghề, trình độ từ trung cấp trở lên được tuyển dụng nhiều, chiếm trên 60% nhu cầu tuyển dụng. Đặc biệt, các ngành công nghệ thông tin, điện, điện công nghiệp, điện lạnh, cơ khí, luyện kim, điện tử, viễn thông, thu hút nhiều lao động”.
Thế nhưng, hiện nay các trường đào tạo nghề chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Thực trạng “cung không đủ cầu” đã khiến nhiều doanh nghiệp tự tìm hướng đi cho mình. Nhiều năm nay, Tổng Công ty Dệt May Gia Định với 14 công ty thành viên luôn nằm trong cảnh thiếu lao động và để đáp ứng yêu cầu sản xuất, đầu năm 2010, tổng công ty đã thành lập Trường Trung cấp Bến Thành để đào tạo nguồn nhân lực cho tổng công ty.
ThS. Lương Quang Ngọc, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bến Thành cho biết: “Để tạo điều kiện cho các em học sinh có thu nhập ổn định, được cọ xát với thực tế công việc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi đã ký kết với các đơn vị doanh nghiệp đảm bảo việc làm cho học sinh ngay cả trong quá trình học với mức thu nhập mỗi tháng từ 1,8-2,5 triệu đồng. Công ty còn hỗ trợ vé xe buýt, tiền nhà trọ… Với mức thu nhập này, ngay cả các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể theo học mà không cần gia đình hỗ trợ. Sau khi tốt nghiệp, chúng tôi cũng cam kết hỗ trợ việc làm cho các em”.
Bao giờ thoát cảnh “một cổ hai tròng”?
Cơ chế quản lý chồng chéo cùng việc hàng loạt trường đại học (ĐH) đua nhau mở hệ đào tạo khiến các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) phải loay hoay tìm hướng đi nếu không muốn đóng cửa. Điều gì đang xảy ra đối với giáo dục nghề của Việt Nam?
Nhiều quy định không phù hợp
Kể từ khi Luật Dạy nghề có hiệu lực vào năm 2007, hệ công nhân kỹ thuật bị khai tử và thay vào đó là hệ đào tạo trung cấp nghề tương đương với hệ TCCN. Ra đời đã nhiều năm nhưng hệ trung cấp nghề vẫn chưa có quy định gì về thang bảng lương cho những người tốt nghiệp hệ đào tạo trung cấp nghề và cả cao đẳng nghề. Còn hướng đào tạo liên thông, bậc học này vẫn còn nằm trong dự thảo.
Trong khi đó, quy định mới phải đưa 4 môn văn hóa vào chương trình dạy với khối lượng kiến thức xấp xỉ các trường phổ thông khiến học sinh đã ngán học văn hóa lại càng né các trường đào tạo nghề.
Ông Lê Thái Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp nghiệp vụ Nam Sài Gòn, cho biết: “Năm 2009, hệ nghề không tuyển được thí sinh nào, năm nay tình hình cũng không khả quan dù nhiều ngành, nghề hiện nay đang rất nóng trên thị trường lao động”.
Ông Đào Khánh Dư, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cũng cho rằng: “Kinh nghiệm đào tạo nghề những năm trước đây cho thấy, học sinh đã xác định học nghề thì học rất tốt, ra trường là giỏi nghề, bởi lúc đó các em vào trường là được học nghề ngay. Việc yêu cầu học văn hóa với lượng kiến thức không ít, đồng nghĩa với việc không thể tăng thời gian thực hành, giảm lý thuyết như tiêu chí giáo dục nghề nghiệp đã đề ra”.
Đua nhau nâng cấp
Cả nước có gần 600 cơ sở đào tạo TCCN, trong đó có trên 280 trường TCCN, còn lại các trường ĐH-CĐ tham gia đào tạo. Cũng giáo dục nghề nghiệp nhưng đủ các bộ chủ quản, Bộ GD-ĐT có 64 trường, Bộ Công thương 39 trường, Bộ NN-PTNT, Bộ GT-VT, Bộ Xây dựng… có hơn 200 trường.
| |
Nếu chỉ tính cấp tỉnh thành, hàng năm, các đơn vị cùng dạy ngoại ngữ, tin học nhưng nếu lấy chứng chỉ (A, B, C) các đơn vị đăng ký với Sở GD-ĐT; lấy chứng chỉ nghiệp vụ, dạy nghề phải đăng ký với Sở LĐTB-XH.
Bên cạnh đó, vào mùa tuyển sinh, các trường phải cạnh tranh nguồn tuyển sinh với hàng loạt các trường ĐH, CĐ cũng tuyển hệ đào tạo trung cấp. Bà Bùi Thị Nguyệt Ánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Vạn Tường, cho biết: “Sau một thời gian thành lập, tất yếu hầu hết trường trung cấp đều tìm mọi cách xin nâng cấp lên ĐH-CĐ”.
Chính vì chạy đua nâng cấp nên ít có trường nào thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp xây dựng được thương hiệu là trường trung cấp đào tạo nghề kỹ thuật cao thu hút học sinh vào học bằng chính thương hiệu và chất lượng của nhà trường.
Thiết bị... trùm mền
Hiệu trưởng các trường trung cấp đề đạt: “Bộ GD-ĐT phải phân định rõ ràng “vùng hoạt động” cho các trường để tạo sự rạch ròi trong hệ thống giáo dục quốc dân bởi không thể vừa đào tạo thầy vừa đào tạo thợ chỉ từ một giảng viên và một cỗ máy”.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành, nếu không có cơ chế hợp lý để phân luồng, thu hút học sinh học nghề sẽ làm lãng phí các nguồn đầu tư vì mức đầu tư một trường đào tạo nghề bao giờ cũng gấp nhiều lần so với các bậc học khác. Điều này sẽ tái diễn tình trạng đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội.
Cũng chính những bất cập trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp lâu nay không được giải quyết đã làm cho không ít trường, cơ sở đào tạo nghề phải “trùm mền” nhiều trang thiết bị trị giá hàng chục tỷ đồng. Ở TPHCM, ngân sách chi thường xuyên mua trang thiết bị ngày một cao, năm 2009 là 69,3 tỷ đồng, năm 2010 hơn 106 tỷ đồng.
Liệu những nỗ lực trong việc đầu tư, hợp tác quốc tế ở các địa phương với kỳ vọng đưa giáo dục nghề nghiệp hội nhập quốc tế có được như mong muốn? Ở TPHCM, Sở GD-ĐT đã ký kết với Tổ chức Temasek Foundation và Trường Singapore Polytechnic về việc hợp tác thực hiện dự án phát triển năng lực đào tạo tại 4 trường trung cấp và CĐ, qua đó triển khai 2 ngành học: cơ điện tử và công nghệ thông tin truyền thông đa phương tiện theo chương trình của Singapore với kinh phí 1,15 triệu USD. Chương trình ngoại, học phí nội, tưởng hấp dẫn nhưng sau 2 năm tuyển sinh, số học sinh vào học không đạt một nửa chỉ tiêu.
Những tháng cuối năm 2010, TPHCM đang tiếp tục đầu tư 80 tỷ đồng cho 4 trường trên mua sắm trang thiết bị.
Những bất cập lâu nay đã nằm ngoài tầm giải quyết của các trường dẫn đến chương trình đào tạo mỗi nơi một kiểu, đầu tư dàn trải không thống nhất. Các cấp quản lý thiếu linh hoạt trong việc thống nhất, chuyển đổi chương trình đào tạo đã làm hạn chế khả năng học liên thông khiến nhiều học sinh e dè khi chọn học nghề.
LÊ LINH