Từng được xem như “vàng trắng”, là cây kinh tế chủ lực, thế nhưng thời gian qua, giá cao su liên tục giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp và nông hộ trồng cao su tiểu điền ở khu vực Tây Nguyên gặp khó khăn lớn.
Công nhân bỏ việc
Đã mấy tháng nay, anh Rưn (dân tộc Ba Na) – công nhân cạo mủ cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) ở nhà làm rẫy. Lý do anh bỏ việc ở công ty bởi công việc nặng nhọc nhưng lương không đủ sống. “Trước đây mình vào làm công nhân vì mong có công việc và thu nhập ổn định. Thế nhưng, do giá mủ cao su ngày càng giảm, công ty gặp khó nên thu nhập của công nhân cũng giảm theo. Tới thời điểm này, lương công nhân không đủ cho bản thân mình chi tiêu, nói gì tới việc nuôi vợ con. Giờ mình ở nhà giúp vợ trồng hồ tiêu, cà phê, chăn nuôi thêm heo, bò… thu nhập tốt hơn, đỡ tốn tiền thuê người làm”, anh Rưn chia sẻ.
Không chỉ anh Rưn, tình trạng công nhân bỏ việc cũng xảy ra tại nhiều công ty cao su trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Trong đó, Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang là đơn vị có lượng lao động xin nghỉ đông nhất, hơn 100 công nhân; ở Công ty TNHH MTV Cao su Chư Pah (nơi có số lượng công nhân người dân tộc thiểu số làm việc cao nhất trên địa bàn tỉnh Gia Lai), lượng công nhân nghỉ việc cũng đến con số trăm người. Lý giải về việc này, một công nhân cao su ở Công ty TNHH MTV Cao su Chư Pah đã nghỉ việc cho rằng: “Hiện nay, một ngày công làm phụ hồ cũng được khoảng 150.000 đồng, còn một ngày giúp việc trong trang trại cà phê, hay tưới tiêu cũng gần 200.000 đồng, cao hơn nhiều so với lương công nhân cao su, chỉ khoảng trên dưới 3 triệu đồng/tháng”.
So với năm 2012, giá mủ cao su tại thời điểm này đã giảm gần 50%. Trong năm 2013, ở thời điểm đầu vụ khai thác, giá 1 tấn mủ nước khoảng 450.000 đồng, sau đó giảm còn 400.000 đồng, nay chỉ còn 350.000 đồng/tấn. Vì thế, tại khu vực Tây Nguyên, tổng doanh thu của các công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng giảm mạnh. Để duy trì hoạt động, nhiều công ty phải “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm nhiều khoản chi tiêu, trong đó có thu nhập của công nhân.
Khai thác cầm chừng
Khu vực Tây Nguyên hiện có khoảng 220.000ha cao su, trong đó Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn nhất, với trên 120.000ha. Giá mủ cao su xuống thấp trong thời gian qua đã gây nhiều áp lực không chỉ với doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh cao su, mà ngay cả các hộ trồng cao su tiểu điền cũng mất ăn, mất ngủ.
Ông Siu Tul, ở làng Sung Le 1, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ (Gia Lai) có 4ha cao su, trong đó có 1ha kinh doanh đã được 6 năm và 3ha bắt đầu cho khai thác nhưng ông cũng không vui: “Không riêng mình mà nhiều gia đình khác từng đặt nhiều hy vọng vào cây cao su, bởi cách đây vài năm, mủ cao su tươi từng có giá tới 25.000 đồng/kg. Nhưng hơn một năm qua, giá mủ tươi liên tục giảm. Với giá bán hiện nay khoảng 8.000 - 9.000 đồng/kg mủ tươi, gia đình tôi chỉ đủ trả công người làm chứ không còn đồng lãi nào”, ông Siu Tul ngao ngán. Giá mủ thấp nên gia đình ông Sui Tul không mặn mà chuyện khai thác. Với 1ha cao su kinh doanh, gia đình ông khai thác cầm chừng, riêng 3ha cao su bắt đầu thu hoạch, ông quyết định để lại, đợi khi nào giá mủ lên cao mới cạo.
Như ông Sui Tul là may vì đã từng bán được mủ cao su vào thời điểm giá cao, còn nhiều gia đình khác lỡ xuống giống cao su mới được mấy năm; những người vay tiền ngân hàng để trồng mới hay mở rộng diện tích cây cao su đều lâm vào tình trạng “sống dở, chết dở”. Giá mủ xuống thấp, tương lai cây cao su chưa biết về đâu, trong khi lãi ngân hàng vẫn phải trả đều đều. Bỏ mặc hoặc phá bỏ, chuyển đổi cây trồng khác đều là những phương án “tiến thoái, lưỡng nan”...
Hiện tại, các hộ trồng cao su tiểu điền ở khu vực Tây Nguyên cũng chỉ tổ chức khai thác cầm chừng hoặc ngưng thu hoạch để dưỡng cây, chờ giá cả ổn định trở lại mới khai thác tiếp. Cá biệt, một số hộ trồng cao su có vườn cây trên 10 năm tuổi đã bắt đầu tính đến phương án thanh lý để trồng mới, đón đầu đợt tăng giá trong chu kỳ tới; một số hộ có ý định phá bỏ vườn cao su để chuyển sang trồng loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn nếu giá mủ cao su không được cải thiện.
Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá mủ cao su giảm hiện nay do thị trường thế giới giảm mạnh, những đơn vị nước ngoài ngừng thu mua sản phẩm. Đối với các tỉnh Tây Nguyên, thị trường quen thuộc là Trung Quốc, gần đây không chỉ giá thấp mà còn nhập rất ít sản phẩm mủ cao su. |
ĐỨC TRUNG