Lao động công nghệ cao tại TPHCM: Cung và cầu chưa gặp nhau

Nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực công nghệ cao đang thiếu trầm trọng nguồn lao động giỏi và đứng trước nguy cơ bị DN khác “cuỗm mất” lao động giỏi của mình. 
Đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ robot tự động hóa tại Xưởng thực hành tự động hóa
Đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ robot tự động hóa tại Xưởng thực hành tự động hóa
Trước thực trạng này, Khu Công nghệ cao TPHCM bước đầu có giải pháp tìm kiếm người và chủ động nguồn cung ứng lao động giỏi giúp DN yên tâm sản xuất, không để xảy ra tình trạng DN tranh giành lao động của nhau. 
Lo bị “cuỗm” lao động giỏi
Ông Trần Tiến Phát, Tổng Giám đốc Công ty Datalogic Scanning Việt Nam, cho hay để chăm lo và giữ chân người lao động, ngoài lương, Datalogic còn có các chế độ như phụ cấp trách nhiệm, xăng xe, chuyên cần, nhà ở, con nhỏ… cho công nhân. Cơm trưa của công nhân được chăm lo ở mức 26.000 đồng/phần (quy định hiện nay mức thấp nhất là 15.000 đồng/phần). Bên cạnh đó, công ty có xây các phòng giải trí như phòng xem phim, phòng bóng bàn, phòng karaoke và cả phòng khám nha khoa phục vụ công nhân. Được chăm lo phúc lợi đầy đủ, tuy vậy, một số lao động giỏi ở công ty vẫn bị DN khác “mồi chài” và công ty có nguy cơ mất người. Ông Trần Tiến Phát phàn nàn, một số DN khác ngang nhiên gọi điện, tiếp cận, săn đón lao động giỏi của Datalogic. Thấy DN tuyển người của mình một cách không quang minh chính trực, Datalogic trao đổi với DN đó thì nhận lại lời thách thức “không cần biết đang làm cho DN nào, thấy người thì cứ tuyển”. 
Nói về tình trạng khan hiếm lao động trong lĩnh vực công nghệ cao dẫn đến một số DN này “mồi chài” người lao động đang làm việc ở DN khác, ông Lê Thành Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TPHCM, giải thích: Phần lớn lao động ở thị trường, sinh viên tốt nghiệp không đạt yêu cầu, DN đều phải mất thời gian đào tạo lại mới sử dụng được. Chưa nói, nhiều DN khi tuyển dụng cần kỹ sư biết tiếng Anh và thêm một ngoại ngữ khác. Nhưng thực tế, “đỏ mắt” mới kiếm được kỹ sư vừa giỏi chuyên môn, vừa rành 2 ngoại ngữ. 
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, nhu cầu tuyển dụng lao động ở ngành cơ khí - tự động hóa, công nghệ thông tin… đang tăng mạnh. Đặc biệt, trong tháng 5-2017, ngành cơ khí - tự động hóa tăng đến 49% nhu cầu tuyển dụng so với tháng 3-2017. Các DN công nghệ cao cần tuyển nhiều người có kinh nghiệm 2 - 5 năm, chủ yếu là kỹ sư cơ khí, kỹ sư tự động hóa, chế tạo khuôn mẫu…
“Săn” lao động giỏi giúp doanh nghiệp 
Theo ông Lê Thành Đại, Phó trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, một số DN công nghệ cao kêu không kiếm ra nguồn nhân lực giỏi. Tuy nhiên, thực tế qua sàn giao dịch việc làm và qua nguồn tuyển của Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, có rất nhiều ứng viên có thể đáp ứng được. Vấn đề ở đây có thể là thiếu sự kết nối nên DN chưa biết. Giải pháp của Khu Công nghệ cao là tăng tính kết nối, sẵn sàng hỗ trợ DN tuyển được người phù hợp. Ông Lê Thành Đại nhắn nhủ: “Từ bây giờ, DN cần lao động kiểu gì, cứ cho chúng tôi biết”. 
Cụ thể về cách đáp ứng của Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, ông Lê Thành Đại chia sẻ, đơn vị sẵn sàng tìm kiếm, đào tạo và cung ứng lao động chất lượng cho DN. Ông Đại dẫn chứng, mới đây, Công ty Nidec Việt Nam kêu thiếu kỹ sư giỏi, Ban quản lý đã giới thiệu 100 kỹ sư, sinh viên xuất sắc để DN tuyển chọn. Kết quả, DN tuyển chọn được 15 người, đưa đi Nhật đào tạo, có cam kết về nước gắn bó với DN. 
Không chỉ dừng ở kiếm người và giới thiệu cho DN từ nguồn lao động trên thị trường, từ tháng 10-2017, việc bổ sung lao động chất lượng cho DN công nghệ cao còn được Khu Công nghệ cao TPHCM nâng lên thành cung ứng lao động, từ nguồn lao động chủ động đào tạo “cái mà nhà trường chưa dạy”. Để làm được điều này, trước đó, cuối tháng 2-2017, Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TPHCM đã đưa vào sử dụng Xưởng thực hành tự động hóa (Factory Automation), lớn nhất và duy nhất ở Việt Nam hiện nay với 4 cánh tay robot công nghiệp. Xưởng được Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và được triển khai bởi Công ty Toyooka (Nhật Bản) với kinh phí 100 triệu yên. Anh Đỗ Tâm Khoa, giảng viên Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TPHCM, chia sẻ các trường đại học và viện nghiên cứu ở nước ta hiện nay cũng chỉ có 1 cánh tay robot và là phục vụ giáo dục chứ không phải công nghiệp. Sự đầu tư hiện đại tại Khu Công nghệ cao nhằm chuyên đào tạo về hệ thống robot công nghiệp và tự động hóa lớn nhất nước (gồm các dòng robot hiện đại như robot hàn, robot sơn…). Từ đó, cung cấp một nguồn kỹ sư về robot và tự động hóa có trình độ chuyên môn, tay nghề cao theo yêu cầu của DN - một mảng nhân lực mà hiện nay các DN trong lĩnh vực công nghệ cao đang vô cùng khan hiếm. “Chúng tôi sẵn sàng tìm kiếm, đào tạo người giúp DN, không để tình trạng DN tranh giành lao động của nhau”, ông Lê Thành Đại nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục