Lao động trẻ em bao giờ cũng rẻ

Để ngăn chặn dòng người di cư vào châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý đón nhận những người nhập cư bị từ chối ở các nước khác. Thế nhưng, Ankara đang không thể bảo vệ các trẻ em tị nạn người Syria khi ph

Để ngăn chặn dòng người di cư vào châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý đón nhận những người nhập cư bị từ chối ở các nước khác. Thế nhưng, Ankara đang không thể bảo vệ các trẻ em tị nạn người Syria khi phần lớn chúng đang bị bóc lột trong ngành công nghiệp may mặc trị giá 40 tỷ USD của mình.

Muna Awwal, 9 tuổi, là 3 trong số 5 anh chị em trong gia đình tị nạn Syria đang làm việc cho một xưởng gia công hàng dệt may dưới tầng hầm ở thành phố Istanbul. Gia đình Muna đến Thổ Nhĩ Kỳ năm 2013 khi chiến tranh bùng nổ ở thành phố Aleppo. Gần 3 năm tị nạn, Muna vẫn chưa được đến trường và phải đi kiếm tiền. Hoàn cảnh như anh em nhà Awwal không phải là cá biệt. Trong cuộc điều tra của mình, phóng viên Dasha Afanasieva của hãng tin Reuters cho biết có rất nhiều trẻ 15 tuổi làm việc hơn 15 giờ mỗi ngày, 6 ngày/tuần mặc dù luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ cấm trẻ em dưới 15 tuổi lao động và chỉ cho phép trẻ trên 17 tuổi làm việc 40 giờ/tuần.

Tình trạng này đặt ra câu hỏi liệu Thổ Nhĩ Kỳ đã thực sự an toàn cho dòng người tị nạn như châu Âu tin tưởng và đề cao. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang đón tiếp người tị nạn nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, nhưng chỉ có khoảng 10% trong số người tị nạn được đón nhận vào các trại tị nạn. Trong dòng người vào Thổ Nhĩ Kỳ có đến 2,73 triệu người đến từ Syria, mà hơn một nửa dưới 18 tuổi. Cho dù Ankara tuyên bố đã chi hơn 10 tỷ USD để giúp người tị nạn, nhưng rất nhiều người Syria không được “xác nhận” là người tị nạn, để được học hành miễn phí, được chăm sóc y tế cơ bản...

Theo Bộ Giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ, hầu hết trong khoảng 665.000 trẻ em Syria đang trong độ tuổi đi học không được đến trường và một nửa trong số này đang làm trong ngành may mặc. Còn cuộc điều tra của Reuters khẳng định, trẻ em từ lâu đã là một bộ phận trong lực lượng lao động của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2012, một năm trước khi các số liệu được công bố, Ankara cho biết hầu hết 1 triệu trẻ em Thổ Nhĩ Kỳ từ 6 tuổi đến 17 tuổi đã phải làm việc, đặc biệt là làm hàng may mặc, giày dép. Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu 17 tỷ USD quần áo và giày dép mỗi năm, hầu hết sang châu Âu, đặc biệt là Đức. Nhưng người Syria, đặc biệt là trẻ em Syria, đang bị bóc lột thậm tệ. Họ được trả lương chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 mức lương của người Thổ Nhĩ Kỳ. Trẻ em thì còn rẻ hơn. Ở thành phố miền Nam Gaziantep gần biên giới Syria, trẻ em Syria chỉ được trả 50 USD một tuần làm việc. Theo nhà kinh tế học Harun Ozturkler của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Trung Đông ở Ankara, lực lượng người lao động tị nạn hiện nay đã là phần thưởng, chứ không còn là gánh nặng cho Ankara. Họ giúp nền kinh tế tăng lợi nhuận, tăng đầu tư mới... Năm ngoái, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng 4%.

Sự thật chỉ được sáng tỏ khi có cuộc điều tra do một tổ chức phi chính phủ tiến hành hồi đầu năm nay. Mặc dù Ủy ban châu Âu (EC) từ chối bình luận về kết luận của cuộc điều tra, nhưng Reuters dẫn nguồn tin của Liên minh châu Âu (EU) cho biết EU đã thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ có biện pháp để bảo vệ trẻ em vì họ đã cam kết rót hàng chục triệu EUR để giúp thêm nhiều trẻ em Syria được đến trường.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục