Lao động trẻ hồi hương

Khác với một số tỉnh thành miền Trung, người lao động Thừa Thiên – Huế không còn cảnh khăn gói ồ ạt vào Nam tìm việc làm như những năm trước. Hiện chưa một có cuộc điều tra xã hội học về nguồn lao động chảy ngược, nhưng thống kế ban đầu từ Sở LĐTB-XH tỉnh này, khoảng 1/3 lao động trẻ vốn làm ăn xa về quê ăn tết đã quyết định ở lại, nhận việc làm mới tại các khu công nghiệp (KCN) địa phương.
Lao động trẻ hồi hương

Khác với một số tỉnh thành miền Trung, người lao động Thừa Thiên – Huế không còn cảnh khăn gói ồ ạt vào Nam tìm việc làm như những năm trước. Hiện chưa một có cuộc điều tra xã hội học về nguồn lao động chảy ngược, nhưng thống kế ban đầu từ Sở LĐTB-XH tỉnh này, khoảng 1/3 lao động trẻ vốn làm ăn xa về quê ăn tết đã quyết định ở lại, nhận việc làm mới tại các khu công nghiệp (KCN) địa phương.

  • Về tắm ao ta

Tại các KCN Phú Bài, Phong Điền, khí thế lao động đầu năm Nhâm Thìn thêm phần phấn khởi khi các doanh nghiệp, nhà máy tại đây xuất hiện những gương mặt công nhân trẻ từ các KCN ở Bình Dương, Biên Hòa, TPHCM mới về “đầu quân”. Trung tâm giới thiệu việc làm Thừa Thiên – Huế cho biết, nhiều lao động trẻ về quê ăn tết đã tìm được việc làm tại các KCN trên địa bàn. Trong số hàng vạn lao động “hành phương Nam” năm trước, đã có khoảng 30% hồi hương sau tết.

Công nhân Nguyễn Văn Hà (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy), mới vào làm việc tại Công ty TNHH Dệt kim và May mặc Huế cho biết, đơn giá sản phẩm ở đây thấp hơn khoảng 5% so với công ty cũ ở TPHCM. Nhưng bù lại, không tốn tiền tàu xe đi lại, ở gần gia đình, chi phí sinh hoạt không đắt đỏ như ở miền Nam.

Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Dệt may Huế.

Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Dệt may Huế.

Tương tự, chị Nguyễn Thúy Hạnh (xã Quảng An, huyện Quảng Điền), một trong những lao động có thâm niên làm việc tại Bình Dương về quê tìm việc làm sau tết, thì: “Công nhân ở đâu cũng làm được, chứ sống xa nhà thiếu thốn trăm bề. Lần này, tôi và một số người bạn quyết định làm việc tại KCN Phú Bài cho gần nhà. Hơn nữa, doanh nghiệp tại địa phương còn có những chính sách ưu đãi cho người lao động mới vào làm việc như hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…”, chị Hạnh chia sẻ.

Tại Công ty Scavi Huế thuộc KCN Phong Điền, một không gian xanh bao trùm nhà xưởng đến khu nhà ăn tập trung, nơi có trên 3.000 lao động đã tìm được nơi để gắn bó với nghề ổn định. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu Scavi Huế ước đạt 31 triệu USD, thu nhập người lao động bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, đối tác nước ngoài đã ký kết nhập hàng của doanh nghiệp đến tận quý 1-2013.

Ông Trần Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Scavi Huế cho hay, để người lao động thực sự yên tâm gắn bó với nghề may, cuối năm 2011, doanh nghiệp đã khởi công xây dựng khu nhà chung cư dành cho công nhân tại KCN Phong Điền. Tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng, bảo đảm chỗ ở cho công nhân. Đến tháng 3-2012, gần 1.000 công nhân ở xa được bố trí nơi ở ổn định. Tiếp theo, Scavi Huế đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí, khu nhà trẻ với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2012 đưa vào sử dụng. Qua đó, giúp con cái những người lao động có nơi vui chơi và niềm vui của họ chắc chắn được nhân lên và ngày càng gắn bó với nhà máy.

  • Thu hút tay nghề

Việc xuất hiện xu hướng “dòng chảy ngược” lao động từ phương Nam đã chứng tỏ nền công nghiệp Thừa Thiên – Huế phát triển với sự ra đời, mở rộng hoạt động các khu, cụm công nghiệp rải đều. Đại diện BQL các KCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, có 28 doanh nghiệp sử dụng hơn 11.000 lao động đang hoạt động tại các cụm và KCN Phong Thu, Phú Bài, Hương Sơ, Bình Điền, Thuận An, Thủy Phương... Thu nhập bình quân 2.000.000 - 2.500.000 đồng/tháng/lao động. Đặc biệt, các doanh nghiệp còn có phụ cấp cho người lao động từ 50.000 - 200.000 đồng/tháng tiền xăng xe, nhà trọ, phụ cấp chuyên cần và các chế độ khác.

Ngoài việc chú trọng phát triển các ngành công nghiệp nhẹ thu hút nhiều lao động; tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa phê duyệt đề án phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN, kinh tế trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, và định hướng đến năm 2020. Tổng vốn đầu tư gần 1.611 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 14 tỷ đồng để thực hiện đề bù giải phóng mặt bằng, và thực hiện một số hạng mục chủ yếu ngoài hàng rào khu vực dân cư. Phần còn lại được huy động từ các thành phần kinh tế.

Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, công nhân trẻ từng làm việc ở các tỉnh phía Nam được đào tạo bài bản, tay nghề cao, kỷ luật tốt, nên luôn được các doanh nghiệp địa phương, vốn đang khát nhân công chào đón vào làm việc. 

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục