Lao động trẻ… thất nghiệp

Thống kê của Bảo hiểm thất nghiệp TPHCM, trong gần 90.000 lao động thất nghiệp của năm 2011, có trên 20% là lao động dưới 24 tuổi. Nếu tính lao động có độ tuổi từ 40 trở xuống thì gần 85% số người thất nghiệp trong độ tuổi này. Con số này cho thấy, hầu hết các lao động thất nghiệp tại TPHCM đang trong độ tuổi sung mãn nhất.

Đã là thị trường thì không thoát khỏi quy luật cạnh tranh, trong đó cạnh tranh trên cả thị trường lao động. Thế nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi thanh niên nhiều cũng buộc những cơ quan quản lý lao động – việc làm phải suy nghĩ. Chưa có số liệu chính thức về trình độ của những lao động trẻ thất nghiệp, nhưng theo thu thập của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, không ít lao động trẻ thất nghiệp có tay nghề, thậm chí là trình độ đại học. Họ thất nghiệp không phải vì không có việc làm mà là thiếu cơ hội việc làm phù hợp với trình độ học vấn hoặc thiếu kinh nghiệm làm việc so với lao động trưởng thành.

Theo ông Đặng Đức Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, rất ít doanh nghiệp chọn ngay được người theo nhu cầu, nên vẫn tồn tại thực tế sinh viên mới ra trường cứ than thất nghiệp, còn doanh nghiệp lại kêu thiếu người. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo trong trường không gắn với thực tiễn, sinh viên chỉ có kiến thức lý thuyết còn khả năng thực hành kém. Ông cho rằng, thị trường lao động TPHCM không thiếu việc làm mà là thiếu người làm được việc.

Không ít bạn trẻ mắc sai lầm khi cho rằng các nhà tuyển dụng chỉ cần lao động trẻ có kiến thức chuyên môn, thành thạo ngoại ngữ, vi tính, bằng này cấp nọ. Từ tư tưởng đó, các bạn trẻ đua nhau đi học để lấy thêm bằng này bằng kia mà không biết rằng, các doanh nghiệp hiện nay luôn chú trọng kỹ năng làm việc, khả năng tư duy, tổ chức, giải quyết nhanh nhạy công việc trong mọi tình huống. Một nguyên nhân khác dẫn đến tỷ lệ sinh viên mới ra trường kiếm được việc làm thấp là do nhiều người có tâm lý “cần phải có kinh nghiệm làm việc” nên không mạnh dạn thử sức mình. Thực trạng này khiến các bạn trẻ dễ rơi vào trạng thái thụ động, an phận với một công việc nào đó dù không cảm thấy hài lòng. Điều này có nguyên nhân sâu xa từ việc các sinh viên ngay từ đầu đã không được định hướng nghề nghiệp một cách đúng đắn, dẫn đến “đi học theo phong trào”, trong quá trình học lại thiếu môi trường thực tập, rèn luyện kỹ năng…

Hồ Thu

Tin cùng chuyên mục