Nga là thị trường có nhiều tiềm năng thu hút lao động Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực may mặc, xây dựng. Tuy nhiên, gần đây tình trạng đưa lao động Việt Nam sang Nga làm việc bằng đường không chính thức như du lịch, thăm thân nhân... khiến người lao động gặp rủi ro cao. Mới đây nhất, 40 lao động Việt Nam tại Nga phải lên tiếng kêu cứu vì bị lừa sang làm việc trong điều kiện không đảm bảo. Trao đổi với PV Báo SGGP, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (LĐNN - Bộ LĐTB-XH) Đào Công Hải cho biết:
Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Liên bang Nga theo cơ chế mới từ năm 2007, theo báo cáo của các doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và theo số liệu thống kê của Đại sứ quán liên bang Nga tại Việt Nam, đến nay Việt Nam có gần 10.000 lao động sang làm việc tại Liên bang Nga, bình quân mỗi năm có hơn 2.000 lao động sang đây làm việc.
Trong đó, lao động do các doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động Việt Nam đưa đi khoảng trên 3.000 lao động, số còn lại là người lao động đi theo hình thức tự do, nâng tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại Liên bang Nga lên khoảng 80.000 lao động (bao gồm cả số lao động đi theo hiệp định cũ ở lại).
- PV: Theo ông, lao động Việt Nam sang làm việc tại Liên bang Nga hiện nay theo hình thức nào là chính?
Lao động Việt Nam sang làm việc tại Nga hiện nay chủ yếu theo 2 hình thức. Một là sang làm việc theo hợp đồng ký với doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động. Hiện có 16 doanh nghiệp dịch vụ đã đăng ký hợp đồng tại Cục Quản lý LĐNN để đưa lao động đi làm việc tại Nga. Từ năm 2007 đến nay các doanh nghiệp đã tổ chức đưa được tổng cộng khoảng trên 3.000 lao động sang làm việc tại đây. Số này hầu hết làm việc tại các công ty làm ăn bài bản, hợp pháp nên đời sống và điều kiện lao động, tiền lương của lao động tương đối đảm bảo với thu nhập 500 - 800 USD/người (nếu có việc làm thêm từ 2 - 4 giờ/ngày).
Hình thức thứ 2 là sang làm việc theo dạng tự do. Theo số liệu thống kê của Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, từ cuối năm 2007 đến nay có khoảng 7.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại đây theo hình thức này, thông qua các đối tượng là cá nhân hoặc tổ chức không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài làm trung gian cò mồi hoặc thông qua người thân là người Việt Nam đang làm ăn sinh sống tại Nga. Người sang Nga làm việc theo hình thức này không đăng ký hợp đồng theo quy định tại Cục Quản lý LĐNN hoặc Sở LĐTB-XH địa phương, chủ yếu làm việc tại các “xưởng may đen”. Một số ít làm việc tại các công trường xây dựng của các chủ sử dụng lao động bất hợp pháp. Mọi chế độ đối với người lao động đều trên cơ sở thỏa thuận miệng, nhiều trường hợp tự tiện áp đặt nên điều kiện ăn ở, làm việc rất kém, thậm chí bị chủ sử dụng bóc lột, đối xử không tốt, không được trả lương, bị sang tay...
- Trước thực trạng trên, nhất là khi gần đây nhiều lao động kêu cứu vì không được trả lương và điều kiện làm việc, điều kiện sống tồi tệ, ông có thể đưa ra lời khuyên dành cho những người lao động có nhu cầu đi làm việc tại thị trường Nga?
Gần đây các cơ quan chức năng Liên bang Nga đã tổ chức truy quét lao động bất hợp pháp tại Nga. Tháng 8-2009, phía Nga đã phát hiện 600 lao động Việt Nam làm việc tại Ivanteevke trong các xưởng may bất hợp pháp, điều kiện ăn ở và làm việc rất kém, đồng thời bị chủ sử dụng thu giữ giấy tờ tùy thân. Mới đây, phía Nga cũng phát hiện tổng cộng 800 lao động Việt Nam trong điều kiện tương tự...
Theo báo cáo của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, hiện có khoảng 400 xưởng may quy mô lớn nhỏ (từ vài ba chục đến vài trăm công nhân) nằm rải rác khắp nước Nga. Chỉ riêng thủ đô Mátxcơva và các tỉnh xung quanh, ước tính có khoảng trên 200 xưởng may với khoảng 20.000 công nhân. Các xưởng may đều nằm ở những khu vực xa dân cư, trong các cơ sở của các nhà máy cũ của Nga. Người lao động Việt Nam và các chủ xưởng chỉ lên đại sứ quán đề nghị hỗ trợ khi gặp sự cố hoặc cơ quan chức năng của Nga kiểm tra, bắt giữ.
Vì vậy lời khuyên đối với lao động Việt Nam khi muốn sang Nga hay những nước khác làm việc nên tìm hiểu kỹ thông tin về chính sách, quy định của pháp luật Việt Nam và nước đến làm việc. Sau đó cần đăng ký đi theo con đường chính ngạch, thông qua các doanh nghiệp được Bộ LĐTB-XH cấp phép đưa người đi làm việc ở nước ngoài và có hợp đồng đã được thẩm định tại Cục Quản lý LĐNN để được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp khi làm việc ở nước ngoài.
| |
Hồ Thu